Tin tức kế toán Lãi vay là một khoản chi phí thường chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Thực tế, vốn hóa lãi đi vay được một số doanh nghiệp “vận dụng” để điều tiết lãi/ lỗ: tìm cách duy trì vốn hóa để (treo chi phí) nhằm giảm thua lỗ, hoặc đưa thẳng lãi vay vào chi phí để dồn lỗ vào một kỳ kế toán nhất định.
1. Chi phí lãi vay được vốn hóa hoặc không được vốn hóa ở những trường hợp nào? Có phải các doanh nghiệp vốn hóa lãi vay một cách tùy tiện không?
Cơ sở pháp lý vốn hóa lãi đi vay, chi phí đi vay:
Theo đoạn 7, 8 Chuẩn mục kế toán số 16 (VAS.16) chi phí đi vay được vốn hóa như sau:
“07. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hoá) khi có đủ các điều kiện quy định trong chuẩn mực này.
08. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy”.
Trong đó, tài sản dở dang theo VAS.16 được hiểu “Là tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng và tài sản đang trong quá trình sản xuất cần có một thời gian đủ dài (trên 12 tháng) để có thể đưa vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán”.
Mặt khác, Điểm d1 Khoản 1 Điều 35 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định:
“d1) Nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm bao gồm:
Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác. Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ”.
Cũng theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, Điểm g Điều 54 quy định về vốn hóa định vay như sau:
“g) Việc xác định chi phí lãi vay được vốn hóa phải tuân thủ Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”. Việc vốn hóa lãi vay trong một số trường hợp cụ thể như sau:
– Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng;
– Nhà thầu không vốn hóa lãi vay khi đi vay để phục vụ việc thi công, xây dựng công trình, tài sản cho khách hàng, kể cả trường hợp đối với khoản vay riêng,
2. Vốn hóa lãi vay như thế nào?
Thông tư 200/2014/TT-BTC cho phép vốn hóa lãi vay vào giá trị tài sản ngay cả khi TSCĐ có thời gian xây dựng dưới 12 tháng (VAS.16 quy định tài sản dở dang được vốn hóa khi có thời gian xây dựng, sản xuất trên 12 tháng).
Tuy nhiên, Thông tư 200/2014/TT-BTC không cho Nhà thầu vốn hóa lãi đi vay khi xây dựng tài sản, công trình cho khách hàng. Quy định này gây ra nhiều tranh luận gay gắt trên các diễn đàn, một số ý kiến cho rằng:
– Nhà thầu (doanh nghiệp xây lắp) thì chỉ là người làm thuê và nhận thù lao, chi phí lãi vay để xây dựng công trình là chi phí tài chính, chi phí của chính nhà thầu, nên không được vốn hóa vào giá trị tài sản, công trình của khách hàng.
– Việc vốn hóa lãi vay đối với các tài sản dở dang cần một thời gian tương đối dài xây dựng để tuân thủ theo nguyên tắc giá gốc và nguyên tắc phù hợp. Việc thanh toán có thể theo tiến độ kế hoạch hoặc theo khối lượng thực hiện (không phải đợi công trình hoàn thành) nên không cần thiết phải vốn hóa lãi vay.
…
NHƯ VẬY:
Theo chuẩn mực kế toán số 16 ( VAS 16) và Thông tư 200/2014/TT-BTC, việc vốn hóa chi phí đi vay cần lưu ý một số vấn đề chủ yếu sau:
– Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang (trên 12 tháng) được vốn hóa, tính vào giá trị của tài sản đó.
– Riêng với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng tài sản cố định, bất động sản đầu tư, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng.
– Trường hợp khoản vay riêng biệt, chi phí đi vay đủ điều kiện vốn hoá được xác định chi phí đi vay thực tế phát sinh từ các khoản vay trừ (-) đi các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vay này.
– Các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vốn vay riêng biệt trong khi chờ được sử dụng vào mục đích có được tài sản dở dang thì phải ghi giảm trừ vào chi phí đi vay phát sinh khi vốn hoá.
– Trường hợp phát sinh các khoản vốn vay chung, chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hoá trong mỗi kỳ được xác định theo tỷ lệ vốn hoá đối với chi phí luỹ kế bình quân gia quyền phát sinh cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đó.
– Lãi vay được vốn hóa từ lúc chi phí, lãi vay đang phát sinh, hoặc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đang được tiến hành. Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành.
– Nhà thầu không được vốn hóa lãi vay khi đi vay để phục vụ việc thi công, xây dựng công trình, tài sản cho khách hàng, kể cả trường hợp đối với khoản vay riêng.
Do vậy, việc vốn hóa lãi vay không thể tùy tiện mà kế toán phải ghi nhận chi phí đi vay đúng với các quy định tại Chuẩn mực, Chế độ kế toán hiện hành.