Bài viết cập nhật mới nhất

Hỏi – Đáp thắc mắc về thuế nhà thầu nước ngoài

Câu hỏi 1: Xin cho biết các nghiệp vụ kinh tế nào có phát sinh thuế Nhà thầu?

Trả lời:

– Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp ở Việt Nam, ví dụ: cho vay, chuyển nhượng bản quyền, cung cấp dịch vụ, bán phần mềm qua mạng, bán máy móc thiết bị có kèm các dịch vụ lắp đặt, chạy thử, huấn luyện…

– Các nhà thầu (thầu chính, thầu phụ) tư vấn, thiết kế, xây dựng nước ngoài (không theo Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư) tham gia các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

– Các doanh nghiệp ở nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thông qua đại lý là doanh nghiệp Việt Nam : các doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý bán hàng hóa, đại lý tàu biển, đại lý về giao nhận hàng hóa XNK (logistics, forwarder), …

Câu hỏi 2: Các văn bản pháp quy hiện hành về thuế Nhà thầu hiện hành?

Trả lời:

 Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 01/10/2014.

Câu hỏi 3: Thời gian quyết toán thuế đối với nhà thầu không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam là khi nào? Nếu nhà thầu yêu cầu xác nhận số thuế đã nộp tại Việt Nam thì bên Việt Nam sẽ làm gì ?

Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 01/10/2014 của Bộ Tài chính:

Trường hợp chủ bên Việt Nam chịu trách nhiệm nộp thuế nhà thầu thay cho nhà thầu nước ngoài thì việc quyết toán thuế được thực hiện theo từng hợp đồng. Trong phạm vi 20 ngày làm việc kể từ khi kết thúc hợp đồng với nhà thầu nước ngoài, chủ đầu tư có trách nhiệm tính toán số thuế nhà thầu phải nộp của nhà thầu nước ngoài, kê khai và quyết toán thuế với cơ quan thuế. Sau khi chủ đầu tư nộp đầy đủ số thuế nhà thầu phải nộp, trong trường hợp cần thiết theo đề nghị của nhà thầu nước ngoài, cơ quan thuế sẽ cấp giấy xác nhận số thuế nhà thầu đã nộp.

Câu hỏi 4: Hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài về cung cấp máy móc thiết bị (MMTB) có kèm theo các dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, đào tạo, vận hành, chạy thử thì tính thuế nhà thầu như thế nào?

Trả lời:

– Nếu trong hợp đồng tách riêng được giá trị MMTB và giá trị các dịch vụ thì tính thuế theo thuế suất riêng tương ứng của từng phần giá trị hợp đồng.

– Nếu hợp đồng không tách riêng từng phần giá trị giá trị MMTB và các dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ GTGT tính trên doanh thu chịu thuế là 25% và tỷ lệ thuế TNDN chung là 2% (áp dụng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh khác) cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

** Ví dụ: Nhà thầu nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam, thực hiện hợp đồng ký với doanh nghiệp B ở Việt Nam về việc cung cấp MMTB kèm theo dịch vụ lắp đặt, vận hành chạy thử với giá trị là 10.000.000 USD.

– Trường hợp 1: Giả sử tách riêng được phần giá trị MMTB là 9.000.000 USD, giá trị dịch vụ lắp đặt, vận hành, chạy thử là 1.000.000 USD thì nghĩa vụ thuế của nhà thầu H được xác định như sau:

+ Thuế đối với phần giá trị MMTB cung cấp (giả sử đây là MMTB cơ khí có thuế suất thuế GTGT là 5%):

* Thuế GTGT: 9.000.000 USD x 10% x 5% = 45.000 USD

* Thuế TNDN: (9.000.000 USD – 45.000 USD) x 1% = 89.550 USD

+ Thuế đối với phần giá trị dịch vụ lắp đặt, vận hành, chạy thử:

* Thuế GTGT: 1.000.000 USD x 10% x 50% = 50.000 USD

* Thuế TNDN: (1.000.000 USD – 50.000 USD) x 5% = 47.500 USD

– Trường hợp 2: không tách riêng được phần giá trị dịch vụ lắp đặt, vận hành chạy thử và giá trị máy móc, thiết bị thì nghĩa vụ thuế của nhà thầu H được xác định như sau:

+ Thuế GTGT: 10.000.000 USD x 10% x 25% = 250.000 USD

+ Thuế TNDN: (10.000.000 USD – 250.000 USD) x 2% = 195.000 USD.