Bài viết cập nhật mới nhất

Xử lý tiền thuế nợ: Doanh nghiệp, người nộp thuế và cơ quan QL đều được lợi

Tin tức kế toán Dự thảo Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đang được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh, việc ban hành các quy định pháp luật về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) phù hợp với thông lệ quốc tế. Hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều có cơ chế để thực hiện việc xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi.

??Theo số liệu thống kê của của Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi ở thời điểm 31/12/2018 lên tới 41.378 tỷ đồng. Điều đáng nói, trong số nợ đọng nêu trên có đến gần 760.000 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc với cơ quan Thuế. Ông có nhận định như thế nào về thực trạng này?

Do nhiều nguyên nhân từ hoạt động sản xuất kinh doanh, không ít doanh nghiệp đang phải đối diện với những khoản nợ thuế bất khả kháng. Nguyên nhân gây nợ thuế không có khả năng thu hồi có cả chủ quan và khách quan. Bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội trong một số năm qua của nước ta gặp nhiều khó khăn, tác động đến doanh nghiệp và khả năng nộp thuế của họ. Trong một thời gian dài đã có không ít doanh nghiệp phát triển “nóng” dẫn đến rủi ro khiến nợ thuế kéo dài, thậm chí không có khả năng trả. Đây là thực tế diễn ra không chỉ ở nước ta mà còn tại nhiều nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn.

??Thực tế những khoản nợ thuế không có khả năng thu của những đối tượng này đang làm mất cân đối cán cân ngân sách. Để xử lý tình trạng này, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN và đang trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Ông có cho rằng cần thiết phải có Nghị quyết ?

Từ thực tế kinh tế-xã hội, tôi cho rằng đáng lẽ đề xuất xử lý tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi từ rất lâu rồi. Những món nợ tiền thuế không còn khả năng thu hồi với cơ quan Thuế giờ chỉ còn tồn tại trên sổ sách, rất khó truy thu. Nợ không có khả năng thu hồi, nhưng hàng ngày cơ quan Thuế phải bỏ thời gian và nhân lực để theo dõi, trong khi tiền phạt chậm nộp 0,03%/ngày vẫn được tính, mỗi ngày gánh nặng này lại thêm một chút trên chính người nộp thuế và cơ quan quản lý nhà nước.

Đề xuất xử lý tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi của Bộ Tài chính nghe có vẻ sẽ làm mất ngân sách, nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Bởi nhiều doanh nghiệp bị phá sản do thiên tai, lũ lụt hay bị thu hồi giấy phép kinh doanh… dù không xóa nợ thì khả năng thu được cũng gần như bằng không. Hơn nữa, việc xóa tiền chậm nộp thuế cho những doanh nghiệp này cũng còn là cách giúp họ nhanh phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó có khả năng trả tiền nợ thuế, đồng thời, tạo tiền đề tăng thu ngân sách trong tương lai.

Có thể thấy, những khoản nợ được đề xuất xử lý đều được Bộ Tài chính căn cứ theo quy định của Luật Quản lý thuế mới và một số văn bản liên quan. Hơn nữa, trước khi đề xuất Quốc hội, Bộ Tài chính cũng đã có những phân tích rất cụ thể, đánh giá nguyên nhân cũng như khả năng thu hồi các khoản nợ. Do đó, có thể khẳng định việc xây dựng Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN là hết sức cần thiết. Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội này, Nghị quyết sẽ là bước khởi đầu tốt để bắt đầu một giai đoạn mới, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người nộp thuế và cả cơ quan Thuế.

??Dự thảo Nghị quyết đã khoanh vùng rất rõ 7 đối tượng thuộc trường hợp được khoanh, xóa tiền thuế nợ. Theo ông, quy định này đã đúng và đủ chưa?

Vấn đề quan trọng đặt ra khi thảo luận chính là đề xuất phải đúng đối tượng, nếu không đúng thì có thể khiến đối tượng lợi dụng, chây ì. Những trường hợp được đề nghị khoanh, xóa chắc chắn sẽ phải xét rất cẩn thận, nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, tránh tình trạng lạm dụng.

Trên thực tế, nợ thuế có nhiều đối tượng khác nhau, do đó cần phải có phân loại, đánh giá cụ thể về vấn đề này. Đối với 7 đối tượng cụ thể được đề xuất xứ lý nợ thuế tại dự thảo đã phản ánh đúng những trường hợp cần thiết.

?? Khi xử lý những khoản nợ thuế này, mục tiêu công bằng – minh bạch là rất quan trọng. Vậy theo ông những quy định về điều kiện khoanh, xóa nợ tại dự thảo Nghị quyết như vậy là đã đạt yêu cầu?

Xuất phát từ yêu cầu thực tế là xóa nợ thuế phải bảo đảm minh bạch, công bằng, trung thực, tránh sự lạm dụng, tránh để xảy ra hiện tượng “chung chia” giữa người nộp thuế với người quản lý thuế, dự thảo quy định rõ ràng điều kiện để được khoanh nợ, xoá nợ như: Phải có giấy chứng tử hoặc giấy báo tử, quyết định của toà án tuyên bố một người đã chết, mất tích; xác nhận của cơ quan có thẩm quyền người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh; xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về xảy ra thiên tai, hoả hoạn…

Đặc biệt, tôi đánh giá cao quy định ràng buộc trách nhiệm của người nộp thuế được xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp như nếu bị phát hiện không đúng, hoặc quay lại sản xuất, kinh doanh thì vẫn phải nộp khoản nợ đã xoá.

Hơn nữa, để đảm bảo chặt chẽ trong xử lý nợ đọng thuế, dự thảo Nghị quyết đã quy định rất rõ trách nhiệm không chỉ của ngành Thuế mà còn của nhiều cơ quan chức năng khác như các uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND các cấp, chủ tịch UBND cấp tỉnh, cơ quan Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, Công an nơi người nộp thuế có trụ sở kinh doanh, Tòa án nơi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản…