Thế nào là Nguyên liệu, vật liệu; Thế nào là Công cụ, dụng cụ. Các cách phân loại Nguyên liệu, vật liệu và phân loại Công cụ, dụng cụ. Mời các bạn theo dõi bài viết của Kế Toán Hà Nội.
>>>> Dịch vụ kế toán trọn gói <<<<
Chỉ từ 17.000 đồng/tháng
1. Khái niệm và đặc điểm nguyên liệu, vật liệu và công cụ, dụng cụ.
1.1. Khái niệm và đặc điểm của nguyện liệu, vật liệu.
Nguyên vật liệu là đối tượng lao động do doanh nghiệp mua ngoài hoặc tự chế biến, dự trữ, để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm.
– Các nguyên vật liệu sẽ thay đổi về hình thái, không giữ nguyên được trạng thái ban đầu khi đưa vào sản xuất.
– Các nguyên vật liệu tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh (một chu kỳ sản xuất kinh doanh).
– Toàn bộ giá trị của nguyên vật liệu được chuyển trực tiếp vào sản phẩm, là căn cứ cơ sở để tính giá thành.
1.2. Khái niệm và đặc điểm của công cụ, dụng cụ.
Công cụ, dụng cụ là những tư liệu lao động không đủ tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng quy định xếp vào tài sản cố định. Theo chế độ hiện hành, những tư liệu lao động có giá trị < 30.000.000 đồng, thời gian sử dụng ≤ 1 năm được xếp vào công cụ dụng cụ. Bởi vậy, công cụ dụng cụ mang đầy đủ đặc điểm như tài sản cố định hữu hình (tham gia nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh, giá trị bị hao mòn dần trong quá trình sử dụng, giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu đến lúc hư hỏng).
2. Phân loại nguyên liệu, vật liệu và công cụ, dụng cụ.
2.1. Phân loại nguyên liệu, vật liệu.
a) Căn cứ vào yêu cầu quản lý, nguyên liệu, vật liệu được chia thành các loại sau:
– Nguyên liệu, vật liệu chính: Là những loại nguyên liệu và vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất thì cấu thành thực thể vật chất, thực thể chính của sản phẩm. Vì vậy khái niệm nguyên liệu, vật liệu chính gắn liền với từng doanh nghiệp sản xuất cụ thể. Trong các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ… không đặt ra khái niệm vật liệu chính, vật liệu phụ. Nguyên liệu, vật liệu chính cũng bao gồm cả nửa thành phẩm mua ngoài với mục đích tiếp tục quá trình sản xuất, chế tạo ra thành phẩm.
– Vật liệu phụ: Là những loại vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất, không cấu thành thực thể chính của sản phẩm nhưng có thể kết hợp với vật liệu chính làm thay đổi màu sắc, mùi vị, hình dáng bề ngoài, tăng thêm chất lượng của sản phẩm hoặc tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm được thực hiện bình thường, hoặc phục vụ cho nhu cầu công nghệ, kỹ thuật, bảo quản đóng gói; phục vụ cho quá trình lao động.
– Nhiên liệu: Là những thứ có tác dụng cung cấp nhiệt lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm diễn ra bình thường. Nhiên liệu có thể tồn tại ở thể lỏng, thể rắn và thể khí.
– Vật tư thay thế: Là những vật tư dùng để thay thế, sửa chữa máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, công cụ, dụng cụ sản xuất…
– Vật liệu và thiết bị xây dựng cơ bản: Là những loại vật liệu và thiết bị được sử dụng cho công việc xây dựng cơ bản. Đối với thiết bị xây dựng cơ bản bao gồm cả thiết bị cần lắp, không cần lắp, công cụ, khí cụ và vật kết cấu dùng để lắp đặt vào công trình xây dựng cơ bản.
b) Căn cứ vào nguồn gốc, nguyên liệu, vật liệu được chia thành các loại sau:
– Nguyên liệu, vật liệu mua ngoài;
– Nguyên liệu, vật liệu tự chế biến, gia công.
c) Căn cứ vào mục đích và nơi sử dụng, nguyên liệu, vật liệu được chia thành các loại sau:
– Nguyên liệu, vật liệu trực tiếp dùng cho sản xuất, kinh doanh;
– Nguyên liệu, vật liệu trực tiếp dùng cho công tác quản lý;
– Nguyên liệu, vật liệu trực tiếp dùng cho các mục đích khác.
2.2. Phân loại công cụ, dụng cụ.
Theo quy định hiện hành những tư liệu lao động sau đây không phân biệt giá trị và thời gian sử dụng vẫn được coi là công cụ, dụng cụ:
– Các đà giáo, ván khuôn, công cụ, dụng cụ gá lắp chuyên dùng cho sản xuất xây lắp;
– Các loại bao bì bán kèm theo hàng hóa có tính tiền riêng, nhưng trong quá trình bảo quản hàng hóa vận chuyển trên đường và dự trữ trong kho có tính giá trị hao mòn để trừ dần giá trị của bao bì;
– Những dụng cụ, đồ nghề bằng thủy tinh, sành, sứ;
– Phương tiện quản lý, đồ dùng văn phòng;
– Quần áo, giày dép chuyên dùng để làm việc,…
Giống như nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ cũng có nhiều tiêu thức phân loại. Mỗi tiêu thức phân loại có tác dụng riêng trong quản lý.
a) Căn cứ vào phương pháp phân bổ công cụ, dụng cụ được chia thành:
– Loại phân bổ 1 lần (100% giá trị)
– Loại phân bổ nhiều lần
Loại phân bổ 1 lần là những công cụ, dụng cụ có giá trị nhỏ và thời gian sử dụng ngắn. Loại phân bổ từ 2 lần trở lên là công cụ, dụng cụ có giá trị lớn, thời gian sử dụng dài hơn và những công cụ, dụng cụ chuyên dùng.
(Mời các bạn tìm hiểu về thời gian và cách phân bổ công cụ, dụng cụ tại đây).
b) Căn cứ vào nội dung công cụ, dụng cụ được chia thành:
– Lán trại tạm thời, đà giáo, cốp pha dùng trong xây dựng cơ bản, dụng cụ gá lắp chuyên dùng cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa;
– Những dụng cụ, đồ nghề bằng thủy tinh, sành, sứ;
– Quần áo bảo hộ lao động;
– Công cụ, dụng cụ khác.
c) Căn cứ vào yêu cầu quản lý và công việc ghi chép kế toán, công cụ, dụng cụ được chia thành:
– Công cụ, dụng cụ;
– Bao bì luân chuyển;
– Đồ dùng cho thuê;
– Thiết bị, phụ tùng thay thế.
d) Căn cứ vào mục đích sử dụng, công cụ, dụng cụ được chia thành:
– Công cụ, dụng cụ dùng cho sản xuất kinh doanh;
– Công cụ, dụng cụ dùng cho quản lý;
– Công cụ, dụng cụ dùng cho mục đích khác.
Mời xem thêm:
>> Doanh nghiệp dưới 10 lao động được miễn gửi thang bảng lương
>> Không nộp thang lương, bảng lương có bị phạt không?
>> Hướng dẫn cách xây dựng thang lương, bảng lương
? Chuyên trang kế toán: www.tintucketoan.com
? Fanpage: Tin Tức Kế Toán: https://www.facebook.com/tintucketoan
? Hoặc tổng đài giải đáp của Kế Toán Hà Nội 1900 6246
▶ THÔNG TIN THAM KHẢO:
Sau khi tham khảo Nguyên liệu, vật liệu là gì; Công cụ, dụng cụ là gì, cách phân loại, quý khách cần xem thêm về Khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế và các Dịch vụ kế toán vui lòng xem ở đây: