Bai viết về KTMH Kế toán bán hàng-KQKD Kế toán mua hàng

Cách hạch toán giảm giá hàng bán tại bên mua và bên bán theo TT200&TT133

Khoa hoc ke toan tong hopKhoa hoc ke toan thueDich vu ke toan tron goi

Giảm giá hàng bán là gì; Các trường hợp giảm giá hàng bán; Cách xử lý điều chỉnh giảm giá và xuất hóa đơn điều chỉnh giảm giá; Cách hạch toán giảm giá hàng bán khi bán hàng và khi mua hàng theo Thông tư 200/2014/TT-BTC  và Thông tư 133/2016/TT-BTC, ví dụ từng trường hợp cụ thể.

1. Giảm giá hàng bán là gì; Các trường hợp giảm giá hàng bán; Cách xử lý điều chỉnh giảm giá và xuất hóa đơn điều chỉnh giảm giá.

1.1. Giảm giá hàng bán:

Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hoá kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách theo quy định trong hợp đồng kinh tế.

1.2. Các trường hợp giảm giá hàng bán:

Trên thực tế có thể xảy ra các trường hợp giảm giá sau:

– Doanh nghiệp mua và doanh nghiệp bán đã biết trước tình trạng vật tư, sản phẩm, hàng hóa kém, mất phẩm chất. Ký hợp đồng và xuất hóa đơn bán hàng theo giá đã giảm (trên hóa đơn ghi theo giá bán đã giảm so với thị trường).

Lưu ý: Trường hợp bán hàng giảm giá nhiều so với thị trường, bên bán nên làm biên bản nêu lý do tại sao hàng bán với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Biên bản có đầy đủ chữ ký và dấu (nếu có) của những bộ phận liên quan, kẹp vào hóa đơn bán hàng.

– Doanh nghiệp bán và doanh nghiệp mua chưa lường trước được tình trạng vật tư, sản phẩm, hàng hóa. Ký hợp đồng bán hàng và xuất hóa đơn bán hàng bình thường (theo giá thị trường). Sau khi giao nhận hàng mới phát hiện ra tình trạng vật tư, sản phẩm, hàng hóa không đạt yêu cầu như hợp đồng đã ký. Bên mua yêu cầu bên bán phải giảm giá mới mua hàng.

1.3. Cách xử lý điều chỉnh giảm giá và xuất hóa đơn điều chỉnh giảm giá:

Tại Khoản 2 và khoản 3, Điều 20, Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:

“2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.

3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”

►Như vậy: Khi bên bán đã giao hàngviết hóa đơn cho bên mua, nếu phát hiện hàng không đúng như hợp đồng đã ký, bên bán phải giảm giá hàng bán thì bên mua mới mua hàng thì kế toán phải xử lý như sau:

– Nếu người bán và người mua chưa kê khai thuế, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định. Sau đó căn cứ vào biên bản thỏa thuận giảm giá của hai bên, bên bán lập lại hóa đơn cho bên mua theo giá đã điều chỉnh giảm.

– Nếu hai bên (hoặc 1 trong 2 bên) đã kê khai thuế, thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót (nguyên nhân giảm giá). Căn cứ vào biên bản, bên bán lập hóa đơn điều chỉnh giảm giá cho các hóa đơn cần điều chỉnh giảm giá.

Ví dụ cách lập Biên bản điều chỉnh và Hóa đơn điều chỉnh giảm giá hàng bán:

Công ty TNHH Kế Toán Hà Nội (bên mua) có ký hợp đồng số 01/HĐKT – TGL, ngày 22/5/2017 mua 05 cái máy chiếu EPSON EB-X04 của công ty TNHH Thành Gia Luật (bên bán), với giá mua 9.000.000 đ/cái (chưa thuế GTGT 10%).

– Ngày 25/5/17, công ty TNHH Thành Gia Luật giao 02 máy chiếu và viết hóa đơn GTGT cho công ty TNHH Kế Toán Hà Nội. Hóa đơn Ký hiệu: GL/17P, Số: 0000101.

Ngày 30/05/17, công ty TNHH Thành Gia Luật giao 03 máy chiếu và viết hóa đơn GTGT cho công ty TNHH Kế Toán Hà Nội. Hóa đơn Ký hiệu: GL/17P, Số: 0000105.

Hai công ty áp dụng kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ, và đã kê khai thuế GTGT của 2 hóa đơn vào kỳ khai thuế T5/2017. Ngày 12/6/17 công ty TNHH Kế Toán Hà Nội phát hiện máy chiếu chất lượng kém, không đúng so với hợp đồng đã ký và yêu cầu công ty TNHH Thành Gia Luật giảm giá xuống 7.000.000 đ/cái (chưa thuế GTGT), nếu không giảm giá công ty sẽ trả lại hàng. Công ty TNHH Thành Gia Luật đã đồng ý.

Hai bên sẽ làm phụ lục hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận về sự giảm giá hàng mua bán. Căn cứ vào Phụ lục hợp đồng hoặc Biên bản thỏa thuận, tiến hành lập biên bản điều chỉnh hóa đơn viết sai giá và lập hóa đơn điều chỉnh cho các hóa đơn viết sai giá.

(Giả sử hai công ty lập phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá số 01/PLHĐKT – TGL, ngày 12/6/2017)

+ Lập Biên bản điều hóa đơn như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập ­ Tự do ­ Hạnh phúc

………….oOo………….­­­

BIÊN BẢN ĐIỀU CHỈNH HÓA ĐƠN

Số 20/BBĐCHĐ

­ Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT BTC ngày 31/03/2014 của Bộ tài chính

– Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ tài chính

– Căn cứ phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá số 01/PLHĐKT – TGL, ngày 12/6/2017 .

Hôm nay, ngày 12/06/2017, đại diện hai bên gồm có:

BÊN BÁN: Bên giao hoá đơn:

Tên công ty: Công ty TNHH Thành Gia Luật

Địa chỉ : Số 4, ngõ 322, Lê Trọng tấn, P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội, Việt Nam

MST: 0107358888

Do Ông (Bà): Lê Tuấn                        Chức vụ: Giám đốc, làm đại diện

BÊN MUA: Bên nhận hoá đơn:

Tên công ty: Công ty TNHH Kế Toán Hà Nội

Địa chỉ: Số 19, ngõ 322, Lê Trọng tấn, P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội,Việt Nam
MST: 0106235869

Do Ông (Bà): Lê Thành Tuân                        Chức vụ: Giám đốc, làm đại diện

Hai bên, thống nhất lập Biên bản điều chỉnh các hóa đơn đã lập Ký hiệu GL/17P, số 0000101, ngày 25/5/2017 và hóa đơn ký hiệu GL/17P, số: 0000105, ngày 30/5/2017 đồng thời xuất hóa đơn điều chỉnh ký hiệu GL/17P, số: 0000125, ngày 12/6/2017. Cụ thể điều chỉnh như sau:

Lý do điều chỉnh: Điều chỉnh giảm đơn giá của Máy chiếu EPSON EB-X04 theo phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐKT – TGL, ngày 12/6/2017.

Biên bản được lập thành 02 (hai) bản, mỗi bên giữ 01 (một) bản, có giá trị pháp lý như nhau.

              ĐẠI DIỆN BÊN BÁN                                                                 ĐẠI DIỆN BÊN MUA

           (Ký, họ tên, đóng dấu)                                                                 (Ký, họ tên, đóng dấu)

Mời các bạn tải mẫu BIÊN BẢN ĐIỀU CHỈNH HÓA ĐƠN tại đây

+ Lập hóa đơn điều chỉnh như sau:

2. Cách hạch toán giảm giá hàng bán khi bán hàng và khi mua hàng, theo Thông tư 200 và Thông tư 133

● Nếu doanh nghiệp sử dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200:

Thì hạch toán khoản Giảm giá hàng bán vào TK521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (chi tiết Tài khoản 5213 – Giảm giá hàng bán) và cuối kỳ kế toán, kết chuyển tổng số Giảm giá hàng bán (TK 5213) phát sinh trong kỳ sang tài khoản 511 – “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5213).

● Nếu doanh nghiệp sử dụng chế độ kế toán theoThông tư 133:

Thì hạch toán khoản Giảm giá hàng bán vào bên nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết theo TK cấp 2 phù hợp) và cuối kỳ kế toán, không cần phải kết chuyển sang TK 511 vì khi phát sinh Giảm giá hàng bán đã hạch toán vào bên Nợ TK 511.

2.1. Hướng dẫn cách hạch toán trường hợp trên hóa đơn ghi đơn giá bán đã giảm:

Bên bán và bên mua căn cứ vào hóa đơn, hạch toán như bán, mua hàng thông thường.

Bên bán:

Không hạch toán giảm giá hàng bán (vì giá trên hóa đơn là giá đã giảm), chỉ ghi nhận doanh thu và giá vốn tương ứng hàng bán ra:

– Phản ánh giá vốn hàng bán ra, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có các TK 155, 156,…

– Phản ánh doanh thu bán hàng, ghi:

Nợ các TK111,112,131,…:Tổng số tiền trên hoá đơn

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế )

Nợ TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (chi tiết từng loại thuế).

Lưu ý: Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp.

Bên mua:

Ghi nhận hàng mua vào như hàng mua thông thường (không ghi nhận giảm giá):

– Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152, 153, 156, … : Giá mua chưa có thuế GTGT

Nợ TK1331 – Thuế GTGT được khấu từ

Có các TK 111,112, 331,…: Tổng giá thanh toán.

– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152, 153, 156, … : Giá mua đã có thuế GTGT

Có các TK 111,112, 331,…: Tổng giá thanh toán.

2.2. Hướng dẫn cách hạch toán trường hợp bên bán lập hóa đơn điều chỉnh giảm giá cho các hóa đơn đã lập:

Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh giảm giá, bên bán và bên mua hạch toán như sau:

Bên bán:

Phản ánh số tiền Giảm giá hàng bán, ghi:

Nợ TK 5213 – Giảm giá hàng bán (giá chưa có thuế ) (theo Thông tư 200)

Nợ TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ  giá chưa có thuế) (theo Thông tư 133)

Nợ TK 33311 : Số tiền thuế được điều chỉnh giảm tương ứng với khoản giảm giá

Có các TK 111, 112: Nếu trả lại tiền cho bên mua

Có TK 131: Nếu đối trừ công nợ.

Lưu ý: Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu, giảm giá hàng bán bao gồm cả thuế phải nộp.

Bên mua:

Căn cứ vào số lượng hàng được giảm giá còn tồn kho hay đã sử dụng hay đã bán để hạch toán:

Nợ các TK 111, 112: Nếu được bên bán thanh toán bằng tiền

Nợ TK 331: Nếu đối trừ công nợ

Có các TK 152, 153, 156 (nếu hàng mua còn tồn kho)

Có các TK 621, 623, 627 (nếu hàng mua đã xuất dùng cho sản xuất) (TT200)

Có TK 154 (nếu hàng mua đã xuất dùng cho sản xuất) (TT133)

Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang  (nếu hàng mua đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng)

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu hàng mua đã tiêu thụ trong kỳ)

Có các TK 641, 642 (nếu hàng mua dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp) (TT200)

Có TK 642 (6421, 6422) (nếu hàng mua dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp) (TT133)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ tương ứng với số tiền chiết khấu.

Lưu ý: Nếu doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì trị giá hàng mua bao gồm cả thuế GTGT.

Quay lại ví dụ trên: Giả sử CÔNG TY TNHH KẾ TOÁN HÀ NỘI mua máy chiếu chưa thanh toán tiền, khoản giảm giá được đối trừ vào công nợ; công ty mua về với mục đích bán lại và đã bán được 03 cái.

Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh ký hiệu GL/17P, số: 0000125, ngày 12/6/2017,  kế toán 2 công ty hạch toán như sau:

Công ty TNHH Thành Gia Luật (bên bán)

Phản ánh khoản giảm giá, ghi:

Nợ TK 5213 (nếu công ty áp dụng Thông tư 200): 10.000.000 đ

Nợ TK 511 (nếu công ty áp dụng Thông tư 133) : 10.000.000 đ

Nợ TK 33311: 1.000.000 đ

Có TK 131 (chi tiết cty TNHH Kế Toán Hà Nội): 11.000.000 đ.

Công ty TNHH Kế Toán Hà Nội (bên mua)

Phản ánh khoản giảm giá, ghi:

Nợ TK 331 (chi tiết công ty TNHH Thành Gia Luật): 11.000.000 đ.

Có TK156 (chi tiết Máy chiếu EPSON EB-X04): 2 cái tồn kho x 2.000.000 đ = 4.000.000 đ

Có TK 632: 3 cái đã bánx 2.000.000 đ = 6.000.000 đ

Có TK 1331 (thuế tương ứng với tổng số tiền giảm giá): 1.000.000 đ.

Mời xem thêm:

>> Doanh nghiệp dưới 10 lao động được miễn gửi thang bảng lương 

>> Không nộp thang lương, bảng lương có bị phạt không?

>> Hướng dẫn cách xây dựng thang lương, bảng lương

 

Dich vu ke toan tron goi so 1

? Chuyên trang kế toán:    www.tintucketoan.com

? Fanpage: Tin Tức Kế Toán:    https://www.facebook.com/tintucketoan

? Hoặc tổng đài giải đáp của Kế Toán Hà Nội 1900 6246

▶ THÔNG TIN THAM KHẢO:

Sau khi tham khảo Cách hạch toán giảm giá hàng bán tại bên mua và bên bán theo TT200&TT133, quý khách cần xem thêm về Khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế và các Dịch vụ kế toán vui lòng xem ở đây:

⏩  Khóa học kế toán thực tế 

⏩  Dịch vụ Kế toán thuế trọn gói

⏩  Dịch vụ Hoàn thuế GTGT

⏩  Dịch vụ Quyết toán thuế

⏩  Dịch vụ Rà soát sổ sách, Báo cáo tài chính