Tin tức kế toán Chính phủ vừa ban hành Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2016 quy định về lệ phí môn bài. Dưới đây là tổng hợp 05 điểm mới của Nghị định 22/2020.
1. Thêm 3 trường hợp được miễn lệ phí môn bài
2. Bổ sung quy định về thời hạn nộp lệ phí môn bài
3. Mức thu lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
4. Không phải nộp lệ phí môn bài nếu ngừng sản xuất kinh doanh
5. 1 trường hợp không phải khai lệ phí môn bài
Thêm 3 trường hợp được miễn lệ phí môn bài
Theo điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, từ ngày 25/02/2020 sẽ có thêm 03 trường hợp được miễn lệ phí môn bài, cụ thể:
– Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:
+ Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
+ Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
– Trường phổ thông công lập và mầm non công lập.
Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu trên thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì các địa điểm này cũng được miễn lệ phí môn bài.
Bổ sung quy định về thời hạn nộp lệ phí môn bài
Theo Nghị định mới thì thời hạn nộp lệ phí môn bài vẫn giữ nguyên (chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm). Tuy nhiên, vì bổ sung thêm đối tượng được miễn lệ phí nên hạn nộp lệ phí với đối tượng này cũng được quy định mới, cụ thể:
– Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) nộp lệ phí môn bài như sau:
+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn.
+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
– Đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể, ra hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nộp lệ phí môn bài như sau:
+ Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động.
+ Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động.
Mức thu lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Vì doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm nên lệ phí môn bài khi kết thúc thời gian được miễn có thể chỉ phải nộp bằng ½ mức quy định, cụ thể:
Tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí nếu:
– Kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
– Kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Không phải nộp lệ phí nếu ngừng sản xuất kinh doanh
Theo điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch thì không phải nộp lệ phí cho năm tạm ngừng hoạt động nếu đáp ứng được 02 điều kiện sau:
– Văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước ngày 30/01 hàng năm.
– Chưa nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lưu ý: Nếu không đáp ứng đủ 02 điều kiện trên thì phải nộp lệ phí môn bài cho cả năm.
Trường hợp không phải khai lệ phí môn bài
Khoản 3 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính mức lệ phí môn bài phải nộp.
Đây là một trong những quy định đáng chú ý của Nghị định 22, quy định này giúp cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán bớt được thủ tục và tiết kiệm thời gian.
Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh còn lại phải khai lệ phí môn bài theo quy định.
Trên đây là những điểm mới của Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về lệ phí môn bài. Điểm đáng chú ý nhất của Nghị định này bổ sung thêm 03 trường hợp được miễn lệ phí môn bài.