Cách hạch toán tài khoản TT133 Hạch toán TT133

Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác thông tư 133

Khoa hoc ke toan tong hopKhoa hoc ke toan thueDich vu ke toan tron goi

Hướng dẫn cách hạch toán tài khoản 338 -­ Phải trả, phải nộp khác thông tư 133. Cách hạch toán các khoản phải trả về tài sản thừa chờ giải quyết. Cách hạch toán các khoản phải trả về bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, KPCĐ). Cách hạch toán các khoản phải trả về ký quỹ, ký cược. Cách hạch toán phải trả về doanh thu chưa thực hiện.

THÔNG TIN MỚI NHẤT:

>> Khóa học kế toán thực hành Giảm 50% Học phí

Giống với thông tư 200/2014/TT-BTC tài khoản 338 -­ Phải trả, phải nộp khác theo thông tư 133/2016/TT-BTC đều thuộc loại tài khoản Nợ phải trả. Nhưng bên cạnh đó nó có một số điểm khác biệt so với thông tư 200.

I. SO SÁNH TÀI KHOẢN 338 – PHẢI TRẢ, PHẢI NỘP KHÁC TRONG THÔNG TƯ 133/2016/TT -BTC VỚI THÔNG TƯ 200/2014/TT-BTC.

So sánh tài khoản 338- Phải trả, phải nộp khác thông tư 133 và thông tư 200
So sánh tài khoản 338- Phải trả, phải nộp khác thông tư 133 và thông tư 200

Nắm vững nguyên tắc kế toán của tài khoản là một vấn đề không thể thiếu khi tiến hành hạch toán tài khoản. Và với TK 338 – Phải trả, phải nộp khác cũng không nằm ngoại lệ. Để có Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác theo thông tư 133 đúng theo chế độ, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên tắc hạch toán của TK 338 như sau.

II. NGUYÊN TẮC KẾ TOÁN CỦA TÀI KHOẢN 338 – PHẢI TRẢ, PHẢI NỘP KHÁC THEO THÔNG TƯ 133/2014/TT-BTC.

Tại điều 45 thông tư 133/2016/TT-BTC, khi hạch toán tài khoản 338 – Phải trả, phải nộp khác phải tuân thủ một số nguyên tắc kế toán sau.

  • Nội dung và phạm vi phản ánh của TK 338.

“a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình thanh toán về các khoản phải trả, phải nộp ngoài nội dung đã phản ánh ở các tài khoản khác thuộc nhóm TK 33 (từ TK 331 đến TK 336). Tài khoản này cũng được dùng để hạch toán doanh thu nhận trước về các dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng.

 b) Nội dung và phạm vi phản ánh của tài khoản này gồm các nghiệp vụ chủ yếu sau:

– Giá trị tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền; Giá trị tài sản thừa phải trả cho cá nhân, tập thể (trong và ngoài đơn vị) theo quyết định của cấp có thẩm quyền ghi trong biên bản xử lý, nếu đã xác định được nguyên nhân;

– Số tiền trích và thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và kinh phí công đoàn;

– Các khoản khấu trừ vào tiền lương của công nhân viên theo quyết định của tòa án;

– Các khoản lợi nhuận, cổ tức phải trả cho các chủ sở hữu;

– Vật tư, hàng hóa vay, mượn, các khoản nhận vốn góp hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) không hình thành pháp nhân mới;

– Các khoản thu hộ bên thứ ba phải trả lại, các khoản tiền bên nhận ủy thác nhận từ bên giao ủy thác để nộp các loại thuế xuất, nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu và để thanh toán hộ cho bên giao ủy thác;

– Số tiền thu trước của khách hàng trong nhiều kỳ kế toán về cho thuê tài sản, cơ sở hạ tầng, khoản lãi nhận trước khi cho vay vốn hoặc mua các công cụ nợ (gọi là doanh thu nhận trước); Các khoản doanh thu, thu nhập chưa thực hiện.

– Khoản chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả ngay.

– Các khoản nhận cầm cố, ký cược, ký quỹ của tổ chức, cá nhân khác.

– Các khoản phải trả, phải nộp khác như phải trả để mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ và các khoản hỗ trợ khác (ngoài lương) cho người lao động…”  

  • Nguyên tắc kế toán khi hạch toán nhận ký quỹ, ký cược.

 “c) Kế toán nhận ký quỹ, ký cược phải theo dõi chi tiết từng khoản tiền nhận ký quỹ, ký cược của từng khách hàng theo kỳ hạn và theo từng loại nguyên tệ (nếu có). Các khoản nhận ký cược, ký quỹ phải trả có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng được trình bày là nợ ngắn hạn, các khoản có kỳ hạn trên 12 tháng được trình bày là nợ dài hạn.”

III. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 338 -­ PHẢI TRẢ, PHẢI NỘP KHÁC THEO THÔNG TƯ 133/2014/TT-BTC.

Kết cấu tài khoản 338-Phải trả phải nộp khác.

Bên Nợ:

– Kết chuyển giá trị tài sản thừa vào các tài khoản liên quan theo quyết định ghi trong biên bản xử lý;

– Kinh phí công đoàn chi tại đơn vị;

– Số BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, KPCĐ đã nộp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn;

– Doanh thu chưa thực hiện tính cho từng kỳ kế toán; trả lại tiền nhận trước cho khách hàng khi không tiếp tục thực hiện việc cho thuê tài sản;

– Số phân bổ khoản chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay (lãi trả chậm) vào doanh thu hoạt động tài chính;

– Hoàn trả tiền nhận ký cược, ký quỹ;

– Các khoản đã trả và đã nộp khác;

– Đánh giá lại các khoản phải trả, phải nộp khác là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá ghi sổ kế toán).

Bên Có:

– Giá trị tài sản thừa chờ xử lý (chưa xác định rõ nguyên nhân); Giá trị tài sản thừa phải trả cho cá nhân, tập thể (trong và ngoài đơn vị) theo quyết định ghi trong biên bản xử lý do xác định ngay được nguyên nhân;

– Trích BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, KPCĐ vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc khấu trừ vào lương của công nhân viên;

– Các khoản thanh toán với công nhân viên về tiền nhà, điện, nước ở tập thể;

– Số BHXH đã chi trả công nhân viên khi được cơ quan BHXH thanh toán;

– Doanh thu chưa thực hiện phát sinh trong kỳ;

– Số chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả ngay;

– Vật tư, hàng hóa vay, mượn, các khoản nhận vốn góp hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) không thành lập pháp nhân;

– Các khoản thu hộ đơn vị khác phải trả lại;

– Số tiền nhận cầm cố, ký cược, ký quỹ phát sinh trong kỳ;

– Các khoản phải trả khác;

– Đánh giá lại các khoản phải trả, phải nộp khác là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá ghi sổ kế toán).

Số dư bên Có:

– BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, KPCĐ đã trích chưa nộp cho cơ quan quản lý hoặc kinh phí công đoàn được để lại cho đơn vị chưa chi hết;

– Giá trị tài sản phát hiện thừa còn chờ giải quyết;

– Doanh thu chưa thực hiện ở thời điểm cuối kỳ kế toán;

– Các khoản còn phải trả, còn phải nộp khác;

– Số tiền nhận ký cược, ký quỹ chưa trả.

Tài khoản này có thể có số dư bên Nợ: Số dư bên Nợ phản ánh số đã trả, đã nộp nhiều hơn số phải trả, phải nộp hoặc số bảo hiểm xã hội đã chi trả công nhân viên chưa được thanh toán và kinh phí công đoàn vượt chi chưa được cấp bù.

Tài khoản 338 – Phải trả, phải nộp khác, có 8 tài khoản cấp 2.

– Tài khoản 3381 – Tài sản thừa chờ giải quyết:

Phản ánh giá trị tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền. Trường hợp giá trị tài sản thừa đã xác định được nguyên nhân và có biên bản xử lý thì được ghi ngay vào các tài khoản liên quan, không hạch toán qua tài khoản 338 (3381).

– Tài khoản 3382 – Kinh phí công đoàn:

Phản ánh tình hình trích và thanh toán kinh phí công đoàn ở đơn vị.

– Tài khoản 3383 – Bảo hiểm xã hội:

Phản ánh tình hình trích và thanh toán bảo hiểm xã hội ở đơn vị.

– Tài khoản 3384 – Bảo hiểm y tế:

Phản ánh tình hình trích và thanh toán bảo hiểm y tế ở đơn vị.

– Tài khoản 3385 – Bảo hiểm thất nghiệp:

Phản ánh tình hình trích và thanh toán bảo hiểm thất nghiệp ở đơn vị.

– Tài khoản 3386 – Nhận ký quỹ, ký cược:

Phản ánh số tiền nhận ký quỹ, ký cược của các đơn vị, cá nhân bên ngoài doanh nghiệp.

– Tài khoản 3387 – Doanh thu chưa thực hiện:

Phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp trong kỳ kế toán. Doanh thu chưa thực hiện gồm doanh thu nhận trước như: Số tiền của khách hàng đã trả trước cho một hoặc nhiều kỳ kế toán về cho thuê tài sản; Khoản lãi nhận trước khi cho vay vốn; các khoản doanh thu chưa thực hiện khác như: Khoản chênh lệch giữa giá bán hàng trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay, khoản doanh thu tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ. Không hạch toán vào tài khoản này các khoản:

+ Tiền nhận trước của người mua mà doanh nghiệp chưa cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

+ Doanh thu chưa thu được tiền của hoạt động cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ nhiều kỳ (doanh thu nhận trước chỉ được ghi nhận khi đã thực thu được tiền, không được ghi doanh thu chưa thực hiện đối ứng với TK 131 – Phải thu của khách hàng).

– Tài khoản 3388 – Phải trả, phải nộp khác: Phản ánh các khoản phải trả khác của đơn vị ngoài nội dung các khoản phải trả đã phản ánh trên các tài khoản khác từ TK 3381 đến TK 3387.

IV. CÁCH HẠCH TOÁN TÀI KHOẢN 338–PHẢI TRẢ, PHẢI NỘP KHÁC THEO THÔNG TƯ 133/2014/TT-BTC.

Căn cứ vào nguyên tắc kế toán tài khoản 338 và các tài khoản liên quan. Căn cứ vào kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 338 và các tài khoản liên quan. KẾ TOÁN HÀ NỘI xin hướng dẫn kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu sau:

4.1. Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết TK 3381 – Tài sản thừa chờ giải quyết).

Tài sản thừa chờ giải quyết trong doanh nghiệp là những tài sản thừa không rõ xuất xứ, nguyên nhân, phải chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.

4.1.1. Khi phát hiện tài sản thừa, chưa xác định được nguyên nhân, phải chờ giải quyết, căn cứ vào biên bản kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 111, 112 (số tiền mặt thực tế thừa quỹ; tiền gửi ngân hàng lệch so với sổ phụ ngân hàng chưa rõ nguyên nhân)

Nợ các TK  152, 153, 156, 211 (theo giá trị hợp lý)

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381).

4.1.2. Khi có biên bản xử lý của cấp có thẩm quyền về số tài sản thừa, kế toán căn cứ vào quyết định xử lý ghi vào các tài khoản liên quan, hạch toán:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381)

Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu (đối với tài sản thừa không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu, bổ sung nguồn vốn CSH)

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388) (phải trả lại tài sản nhưng chưa trả)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (quyết định mua tiếp số hàng thừa)

Có các TK 111, 152, 153, … (quyết định trả lại cho chủ tài sản)

Có TK 642 – Chi phí quản lý kinh doanh (đối với tài sản thừa không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu, ghi giảm chi phí)

Có TK 711 – Thu nhập khác (đối với tài sản thừa không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu, ghi nhận vào thu nhập TS thừa).

4.2. Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết các TK 3382, 3383, 3384, 3385, 3388 (BHTNLĐ)).

4.2.1. Khi trích BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, KPCĐ, hạch toán:

Nợ các TK 154 (631), 241, 642 (số tính vào chi phí SXKD)

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (số trừ vào lương người lao động)

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3385, 3388).

4.2.2. Khi nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, KPCĐ, hạch toán:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3385, 3388)

Có các TK 111, 112,…

4.2.3. BHXH phải trả cho công nhân viên khi nghỉ ốm đau, thai sản…, hạch toán:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3383)

Có TK 334 – Phải trả người lao động.

4.2.4. Chi tiêu kinh phí công đoàn tại đơn vị, hạch toán:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3382)

Có các TK 111, 112,…

4.2.5. Kinh phí công đoàn chi vượt được cấp bù, khi nhận được tiền, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3382).

4.3. Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết TK 3386 – Nhận ký cược, ký quỹ).

4.3.1. Khi nhận tiền ký quỹ, ký cược của đơn vị, cá nhân bên ngoài, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 3386 – Nhận ký cược, ký quỹ (chi tiết cho từng khách hàng).

4.3.2.  Khi hoàn trả tiền ký quỹ, ký cược cho khách hàng bằng tiền Việt Nam, hạch toán:

Nợ TK 3386 – Nhận ký cược, ký quỹ (chi tiết cho từng khách hàng)

Có các TK 111, 112.

4.3.3. Trường hợp hoàn tiền ký quỹ, ký cược bằng ngoại tệ.

– Trường hợp bên có TK tiền và bên Nợ TK 3386 áp dụng tỷ giá ghi sổ, ghi:

Nợ TK 3386 – Nhận ký cược, ký quỹ (tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền cho từng đối tượng)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá)

Có các TK 111, 112 ( 1112, 1122) (tỷ giá ghi sổ)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá).

– Trường hợp bên có TK tiền và bên Nợ TK 3386 áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế, ghi:

Nợ TK 3386 – Nhận ký cược, ký quỹ (tỷ giá giao dịch thực tế)

Có các TK 111, 112 ( 1112, 1122) (tỷ giá giao dịch thực tế).

Ghi nhận chênh lệch tỷ giá: Việc ghi nhân chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ được ghi nhận ngay tại thời điểm hoàn tiền ký quỹ, ký cược hoặc định kỳ tùy theo đặc điểm hoạt động kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp:

(+) Nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá, ghi:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (chênh lệch giữa tỷ giá ghi sổ của TK 3386 hoặc tỷ giá ghi sổ của tài khoản tiền và tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả tiền ký quỹ, ký cược).

Có các TK 1112, 1122, 3386.

(+) Nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá, ghi:

Nợ các TK 1112, 1122, 3386 (chênh lệch giữa tỷ giá ghi sổ của TK 3386 hoặc tỷ giá ghi sổ của tài khoản tiền và tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả tiền ký quỹ, ký cược ).

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

4.3.4. Trường hợp đơn vị ký quỹ, ký cược vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký với doanh nghiệp, bị phạt theo thỏa thuận hợp đồng kinh tế.

– Khi nhận được khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết: Nếu khấu trừ vào tiền nhận ký quỹ, ký cược, ghi:

Nợ TK 3386 – Nhận ký quỹ, ký cược

Có TK 711 – Thu nhập khác.

– Khi thực trả khoản ký quỹ, ký cược còn lại, ghi:

Nợ TK 3386 – Nhận ký quỹ, ký cược (phần còn phải trả sau khi đã khấu trừ tiền phạt)

Có các TK 111, 112.

4.4. Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện).

4.4.1. Hạch toán doanh thu chưa thực hiện về cho thuê TSCĐ, BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động.

Doanh thu của kỳ kế toán được xác định bằng tổng số tiền cho thuê hoạt động TSCĐ, BĐS đầu tư đã thu chia cho số kỳ thu tiền trước cho thuê hoạt động TSCĐ, BĐS đầu tư (trừ trường hợp được ghi nhận doanh thu một lần đối với toàn bộ số tiền nhận trước).

– Khi nhận tiền của khách hàng trả trước về cho thuê TSCĐ, BĐS đầu tư trong nhiều năm, kế toán phản ánh doanh thu chưa thực hiện theo giá chưa có thuế GTGT, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112,… (tổng số tiền nhận trước)

Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (giá chưa có thuế GTGT)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311) .

– Khi tính và ghi nhận doanh thu của từng kỳ kế toán, hạch toán:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113, 5118).

– Trường hợp hợp đồng cho thuê tài sản không được thực hiện phải trả lại tiền cho khách hàng, hạch toán:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (giá cho thuê chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (số tiền trả lại cho người đi thuê về thuế GTGT của hoạt động cho thuê TSCĐ không thực hiện được)

Có các TK 111, 112,…(số tiền trả lại).

4.4.2. Hạch toán doanh thu chưa thực hiện khi bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp.

– Khi bán hàng trả chậm, trả góp.

Khi bán hàng trả chậm trả góp thì ghi nhận doanh thu bán hàng của kỳ kế toán theo giá bán trả tiền ngay, phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay ghi vào tài khoản 3387 “Doanh thu chưa thực hiện”, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112,131,…

Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (theo giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)

Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331)

– Hàng kỳ kế toán sau khi bán hàng trả chậm, trả góp.

Hàng kỳ, tính, xác định và kết chuyển doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, hạch toán:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

– Thu được tiền bán hàng trả chậm, trả góp.

Khi thực thu tiền bán hàng trả chậm, trả góp trong đó gồm cả phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112,…

Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

– Phản ánh giá vốn của hàng bán trả chậm, trả góp.

+ Nếu bán sản phẩm, hàng hoá, ghi:

Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán

Có các TK 154, 155, 156, 157,…

+ Nếu thanh lý, bán BĐS đầu tư, ghi:

Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147) (số hao mòn luỹ kế – nếu có)

Có TK 217- BĐS đầu tư.

4.4.3. Hạch toán doanh thu chưa thực hiện khi bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính có giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại.

– Khi hoàn tất thủ tục bán tài sản, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ liên quan,hạch toán:

Nợ các TK 111, 112,… (tổng giá thanh toán)

Có TK 711- Thu nhập khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)

Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

Đồng thời ghi giảm TSCĐ:

Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2141) (giá trị hao mòn) (nếu có)

Có TK 2111 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).

– Định kỳ, kết chuyển chênh lệch lớn hơn (lãi) giữa giá bán và giá trị còn lại của tài sản cố định bán và thuê lại ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với thời gian thuê tài sản, hạch toán:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có các TK 154, 642,…

4.4.4. Hạch toán doanh thu chưa thực hiện khi các doanh nghiệp chưa phân bổ hết khoản lãi chênh lệch tỷ giá của giai đoạn trước hoạt động (đang phản ánh trên tài khoản 3387 – Doanh thu chưa thực hiện).

 Kế toán phải kết chuyển toàn bộ số lãi chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

4.5. Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác ( chi tiết TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác).

4.5.1. Khi vay, mượn vật tư, hàng hóa, nhận góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 156…

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388).

4.5.2.  Xác định số lợi nhuận, cổ tức phải trả cho các chủ sở hữu.

– Khi xác định số phải trả, hạch toán:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388).

– Khi trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu, hạch toán:

Nợ TK 338 –  Phải trả, phải nộp khác (3388)

Có các TK 111, 112 (số tiền trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu)

Có TK 3335 – Thuế thu nhập cá nhân (nếu khấu trừ tại nguồn số thuế TNCN của chủ sở hữu).

4.5.3. Các khoản thu hộ, giữ hộ, các khoản tiền nhận để nộp thuế hộ, để nhận ủy thác hàng xuất khẩu, nhập khẩu ( tại bên nhận nhập khẩu, xuất khẩu ủy thác).

4.5.3.1. Cách hạch toán TK 338 – Phải trả khác (3388) Tại bên nhập khẩu ủy thác.

a) Khi nhận của doanh nghiệp giao uỷ thác nhập khẩu tiền để mua hàng nhập khẩu, căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:

Nợ các TK 111, 112,….

Có TK 338 – Phải trả khác (3388).

b) Khi thanh toán cho người bán ở nước ngoài về số tiền phải trả cho hàng nhập khẩu ủy thác, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388) (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)

Có các TK 111, 112, …..

c) Thuế nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu, Thuế TTĐB phải nộp hộ cho doanh nghiệp uỷ thác nhập, khi nộp tiền vào NSNN, ghi:

Nợ TK 3388 – Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)

Có các TK 111, 112.

d) Bù trừ các khoản phải thu và phải trả khác khi kết thúc giao dịch, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả khác (3388)

Có TK 138 – Phải thu khác (1388).

4.5.3.2. Cách hạch toán TK 338 – Phải trả khác (3388) tại bên xuất khẩu ủy thác.

a) Khi nhận được tiền hàng của người mua ở nước ngoài, kế toán phản ánh là khoản phải trả cho bên giao ủy thác, ghi:

Nợ TK 112 – Tiền gửi ngân hàng

Có TK 338 – Phải trả khác (3388).

b) Bù trừ các khoản phải thu phải trả khác, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả khác (3388)

Có TK 138 – Phải thu khác (1388).

4.6. Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác trong trường hợp đánh giá lại số dư các khoản phải trả, phải nộp khác bằng ngoại tệ cuối kỳ kế toán.

Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán đánh giá lại số dư các khoản phải trả, phải nộp khác bằng ngoại tệ theo tỷ giá chuyển khoản trung bình cuối kỳ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch:

– Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái, hạch toán:

Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (TK cấp 2 phù hợp).

– Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, hạch toán:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (TK cấp 2 phù hợp)

Có TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đo.

Trên đây Kế Toán Hà Nội đã hướng dẫn Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác theo thông tư 133. Mời các bạn xem thêmCách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác theo thông tư 200 tại đây.

Dich vu ke toan tron goi so 1

? Chuyên trang kế toán:    www.tintucketoan.com

? Fanpage: Tin Tức Kế Toán:    https://www.facebook.com/tintucketoan

? Hoặc tổng đài giải đáp của Kế Toán Hà Nội 1900 6246

▶ THÔNG TIN THAM KHẢO:

Sau khi tham khảo Cách hạch toán tài khoản 338-­Phải trả, phải nộp khác thông tư 133, quý khách cần xem thêm về Khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế và các Dịch vụ kế toán vui lòng xem ở đây:

⏩  Khóa học kế toán thực tế 

⏩  Dịch vụ Kế toán thuế trọn gói

⏩  Dịch vụ Hoàn thuế GTGT

⏩  Dịch vụ Quyết toán thuế

⏩  Dịch vụ Rà soát sổ sách, Báo cáo tài chính