Bài viết cập nhật mới nhất

Tổng cục Thuế trả lời các thắc mắc liên quan tới lĩnh vực Thuế của DN 2019

Kỳ 1: Các câu hỏi lĩnh vực Thuế của Doanh nghiệp Nhật Bản tại Hội nghị đối thoại  năm 2019 giữa Bộ Tài chính với Doanh nghiệp Nhật Bản

Câu hỏi 1 (Công ty Marubeni-Itochu Steel Vietnam Co.,Ltd.)

Quy định lãi suất vay từ bên thứ ba như ngân hàng là đối tượng áp dụng NĐ 20 là không hợp lý.Công ty chúng tôi bán chịu cho DN Việt Nam trong khoảng thời gian từ 60 đến 90 ngày để hỗ trợ về mặt tài chính giúp cho việc kinh doanh của khách hàng được thuận lợi. Tuy nhiên mặt khác chúng tôi phải trả lãi suất vay lớn cho ngân hàng. Đây là lãi suất thu nhập của bên cho vay nên sẽ chịu thuế thu nhập DN. Vì vậy trường hợp NĐ 20 không cho tính vào chi phí được trừ thì sẽ phát sinh việc đánh thuế hai lần đối với cùng một thu nhập.

Những quy định như vậy khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiếp tục hỗ trợ cho các công ty Việt Nam, làm giảm hoạt động kinh doanh của công ty. Chúng tôi muốn chỉ ra rằng kết quả là không chỉ làm giảm thu thuế từ công ty chúng tôi mà còn có khả năng giảm thu thuế do kinh doanh của khách hàng sụt giảm.

Đề nghị: Quy định lãi suất vay từ bên thứ ba không phải tuân theo quy định trong NĐ 20.

TCT trả lời:

Kiến nghị về quy định giới hạn chi phí lãi vay tại NĐ 20/2017/NĐ-CP:

Quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại Khoản 3 Điều 8 NĐ 20/2017/NĐ-CP được xây dựng dựa trên việc tiếp thu kết quả nghiên cứu của OECD/G20 tại Báo cáo Hành động số 4 về khuyến nghị các giải pháp ngăn ngừa chuyển lợi nhuận thông qua công cụ lãi vay đang được các nước trên thế giới nghiên cứu và áp dụng, kết hợp với nguyên tắc ấn định thuế đã được quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11.

Hiện nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế 38/2019/2014 vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Do vậy, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến phản ánh của DN để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung phù hợp đưa vào NĐ thay thế NĐ 20/2017/NĐ-CP.

Câu hỏi 2: Công ty mobileinnovation (Vietnam)

DN chúng tôi đang kinh doanh sử dụng dịch vụ của công ty của Thái Lan. Chúng tôi đang trả thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật về thuế của Việt Nam.

Công ty của Thái yêu cầu chứng minh việc trả thuế nêu trên nhưng chúng tôi không có phương tiện phát hành giấy chứng nhận đó. Cơ quan thuế không cấp giấy chứng nhận.

Đề nghị: Chúng tôi đề nghị xây dựng quy trình, hệ thống để cơ quan thuế phát hành giấy chứng nhận việc thanh toán thuế nhà thầu nước ngoài (chứng nhận đã thu). Chúng tôi có thể chuẩn bị hợp đồng, căn cứ tính toán thuế, giấy chứng nhận chuyển khoản ngân hàng.v.v. Chúng tôi mong cơ quan thuế cấp giấy chứng nhận đã thu thuế nhà thầu nước ngoài.

TCT trả lời:

Tại khoản 2a Điều 28 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý thuế quy định về thủ tục nộp thuế:

a) Người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản hoặc bằng các hình thức điện tử khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Cơ quan, tổ chức thu tiền thuế có trách nhiệm:

– Hướng dẫn cách lập chứng từ nộp tiền thuế cho người nộp thuế đối với từng hình thức nộp tiền.

– Xác nhận trên chứng từ nộp tiền thuế của người nộp thuế hoặc cấp chứng từ nộp tiền thuế cho người nộp thuế theo quy định.

Người nộp thuế phải ghi đầy đủ, chi tiết các thông tin trên chứng từ nộp tiền thuế hoặc cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan, tổ chức thu tiền thuế để ghi thông tin trên chứng từ nộp tiền do Bộ Tài chính quy định.”

Ngoài ra, dự kiến tại Thông tư sửa Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 của BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế sẽ bổ sung nội dung khi NNT nộp thuế theo phương thức điện tử của ngân hàng sẽ có thông báo của cơ quan thuế xác nhận số thuế đã nộp của NNT theo dạng điện tử.

Căn cứ các quy định trên, về nguyên tắc trường hợp DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam có nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam thay cho công ty tại Thái Lan thì sẽ được cơ quan thuế cấp chứng từ nộp thuế theo quy định. Đối với phương thức nộp thuế qua chuyển khoản ngân hàng, thời gian tới cơ quan thuế sẽ xem xét, bổ sung quy định cơ quan thuế cấp xác nhận/thông báo đã nộp thuế cho NNT dưới dạng điện tử tại văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Câu hỏi 3:Công ty MB Shinsei Finance Limited Liability Company

<Vấn đề về chính sách thuế liên quan đến chuyển giá>Có trường hợp lãi suất cho vay trong giao dịch tín dụng giữa công  ty mẹ và công ty con xuyên biên giới bằng tiền USD vượt quá mức giá thị trường (ALP, giá giữa DN độc lập) mà cơ quan thuế nước sở tại nhận định. Cơ quan thuế dường như coi biên độ lãi suất cho vay bằng tiền USD của các ngân hàng lớn tại Việt Nam do SBV công bố hàng tuần là ALP. Mặt  khác, bên cho vay là công ty mẹ (ngân hàng của Nhật Bản) để tuân thủ theo Basel III (tiêu chuẩn mà các tổ chức tín dụng giao dịch quốc tế cần phải tuân thủ), quy  định trong nội quy mức chênh lệch giá thấp nhất phù hợp với tình hình tín dụng của bên cho vay, xác suất vi phạm nghĩa vụ trả nợ giả định, thời gian cho vay.v.v. và đang quy định lãi suất cho vay trên cơ sở đó.

Trong bối cảnh này, trường hợp bên cho vay là công ty liên quan, không phải là công ty con liên kết, thì bên cho vay này được coi là một DN Việt Nam cả về mặt liên kết cũng như tiêu chuẩn Basel, và rủi ro tín dụng được tính toán ở mức cao hơn so với trường hợp là công ty con liên kết. Mặt khác, như đã nêu ở trên, ALP dựa theo lãi suất của các ngân hàng Việt Nam không nhất thiết phải tuân thủ theo Basel III, do đó khi lãi suất Libor tăng đột biến.v.v. thì đặc biệt sẽ gia tăng  tình huống lãi suất cho vay trong giao dịch tín dụng xuyên biên giới vượt quá ALP.

Ở Việt Nam, từ góc độ thu thuế nói chung, các khoản vay tốt nhất là lãi suất thấp, lãi suất cao hơn có nhiều khả năng bị coi là vi phạm về chính sách thuế liên quan đến chuyển giá. Mặt khác, tại Nhật Bản là bên cho vay, từ góc độ duy trì tỷ lệ vốn tự có, chênh lệch giá được quy định phù hợp, nếu quy định lãi suất thấp không tương ứng với rủi ro thì nhiều khả năng sẽ bị coi là cung cấp lợi nhuận (trao tặng). Hiện tại đang tồn tại tiêu chuẩn kép là tiêu chuẩn của bên cho vay và tiêu chuẩn của bên vay trong chính sách thuế chuyển giá, nếu hai bên không giống nhau thì sẽ thu thuế của một trong hai.

Đề nghị: Xếp hạng quốc gia của Việt Nam còn thấp, chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) còn có nhiều điểm khác với chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh như vậy thì số lượng DN Việt Nam có thể huy động vốn từ ngân hàng trong ngoài nước của Việt Nam trong biên độ lãi suất cho vay bằng tiền USD do SBV công bố sẽ bị giới hạn. Ngoài ra giá trị khoản vay cũng hết sức hạn chế. Nếu quy định tiêu chuẩn đánh giá ALP nghiêm ngặt dựa theo biên độ này thì sẽ trở thành rào cản khi quy định tín dụng xuyên biên giới bằng tiền USD dành cho công ty liên quan tại Việt Nam. Do đó, khi đánh giá ALP của lãi suất cho vay như vậy, không đơn thuần là áp dụng lãi suất công bố của SBV mà (1) nên mở rộng biên độ, điều chỉnh để áp dụng từ góc độ rủi ro tín dụng của bên cho vay, lãi suất thị trường, cơ cấu thời gian của lãi suất. Giải pháp tốt nhất thứ hai là (2) phương pháp đánh giá lãi suất sau khi thay đổi trên cơ sở VND có nằm trong biên độ lãi suất cơ sở VND công bố của SBV hay không cũng đáng để xem xét. Ngoài ra, nên xem xét kết hợp cả quan điểm (3) mức chênh lệch tối thiểu cần thiết theo Basel III có được quy định phù hợp cho bên cho vay và lãi suất cho vay dựa trên nó có được áp dụng hay không, và (4) nếu có nhiều khoản vay từ cùng một DN thì lãi suất trung bình có nằm trong biên độ hay không.

TCT trả lời:

Kiến nghị về vấn đề chuyển giá liên quan tới lãi suất vay/cho vay xuyên biên giới:

Tại khoản 1 Điều 7 NĐ 20/2017/NĐ-CP có quy định về phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập đối với hoạt động vay và cho vay như sau:

“1. Phương pháp so sánh giá giao dịch liên kết với giá giao dịch độc lập (sau đây viết tắt là phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập):

 a) Các trường hợp áp dụng phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, bao gồm: Người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết […] thanh toán lãi vay trong hoạt động vay và cho vay; […];”

 Nguyên tắc, cách thức áp dụng của phương pháp này được quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều 7 NĐ 20/2017/NĐ-CP như sau:

 b) Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập được thực hiện trên nguyên tắc không có khác biệt về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng khi so sánh giá giao dịch độc lập và giá giao dịch liên kết có ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm. Trường hợp có các khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm, phải loại trừ các khác biệt trọng yếu này..

  […]

  c) Phương pháp xác định: Giá sản phẩm trong giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giá sản phẩm trong giao dịch độc lập hoặc giá trị giữa khoảng giá giao dịch độc lập chuẩn của các đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại NĐ này.

  […]

  d) Kết quả xác định giá giao dịch liên kết là giá tính thuế để kê khai, xác định số thuế thu nhập DN phải nộp, nhưng không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.”

Như vậy theo NĐ 20/2017/NĐ-CP, đối với trường hợp kiến nghị về việc thanh toán lãi tiền vay của DN trong giao dịch vay từ bên liên kết với công ty mẹ (ngân hàng Nhật Bản), phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được áp dụng là phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, trong đó lãi suất cho vay USD bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hàng tuần được coi là một nguồn cơ sở dữ liệu sử dụng trong xác định giá giao dịch liên kết (theo Điều 9 NĐ 20/2017/NĐ-CP). Mặt khác, Basel chỉ là khung các quy định được đặt ra cho lĩnh vực ngân hàng nhằm quản trị rủi ro tín dụng, không phải là các quy định pháp lý bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Vì vậy đề nghị DN thực hiện theo đúng các quy định nêu trên, đảm bảo không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước../.