Uncategorized

Sự khác biệt kế toán giữa các quốc gia – Nguyên nhân và các bất lợi

Khoa hoc ke toan tong hopKhoa hoc ke toan thueDich vu ke toan tron goi 

   Tin tức kế toán Kế toán Việt Nam khác với kế toán Mỹ, Anh, Nhật,…Tại sao lại như vậy? Sự khác biệt này có làm khó khăn cho Việt Nam trong quá trình hội nhập hay không? Bài viết này Tin tức kế toán xin đề cập về nguyên nhân của sự khác biệt kế toán giữa các quốc gia và sự khác biệt kế toán đó có những bất lợi gì.


Sự khác biệt kế toán giữa các quốc gia             

Hệ thống chuẩn mực kế toán và thực hành kế toán của mỗi quốc gia là hệ quả của mối tương tác phức tạp giữa các nhân tố: kinh tế, lịch sử, định chế và văn hóa. Theo Choi và Meek có 8 nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của kế toán và từ đó dẫn đến sự khác biệt về kế toán giữa các quốc gia là: (1) Nguồn tài chính, (2) Hệ thống luật pháp, (3) Thuế, (4) Sự ràng buộc về kinh tế và chính trị, (5) Lạm phát, (6) Mức độ phát triển kinh tế, (7) Trình độ giáo dục, và (8) Văn hóa.
 

1. Nguồn tài chính.

Tại các nước có thị trường vốn mạnh như Mỹ, Anh thì lợi nhuận kế toán là thước đo năng lực điều hành công ty của nhà quản trị. Khi đó kế toán được thiết kế để giúp cá nhà đầu tư đánh giá các dòng tiền trong tương lai và các rủi ro đi kèm, và để xác định giá trị công ty. Việc công bố thông tin là rất rộng rãi để đáp ứng các nhu cầu của một số lượng lớn các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu. Ngược lại, tại các nước mà nguồn tài chính dựa trên quan hệ tín dụng, nơi ngân hàng là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu, kế toán tập trung vào việc bảo vệ các nhà cung cấp tín dụng thông qua việc đo lường một cách thận trọng lợi nhuận để giảm thiểu việc chia cổ tức và để lại vốn đủ để bảo vệ những người cho vay. Bởi vì các định chế tài chính có thể tiếp cận trực tiếp bất kỳ thông tin nào họ muốn, các báo cáo công bố một cách rộng rãi được xem là không cần thiết. Nhật Bản và Thụy Sĩ là các ví dụ về nhóm các nước này. Việt Nam là nước có thị trường chứng khoán còn khá non trẻ, nguồn tài chính của các doanh nghiệp chủ yếu từ các ngân hàng và nhà nước nên nghiêng về nhóm thứ hai nhiều hơn.
 

 2. Hệ thống luật pháp.

Hệ thống luật pháp quyết định về mối quan hệ giữa các cá nhân và các định chế. Hệ thống luật pháp phương Tây bao gồm hai hướng: dân luật (code/civil law) và thông luật (common/case law). Trong các nước theo hệ thống dân luật, các quy định về kế toán được tích hợp vào hệ thống pháp luật quốc gia và thường có xu hướng quy định chi tiết cách thức và quy trình. Các nước theo hệ thống này là các nước có ảnh hưởng bởi nguồn gốc từ Pháp, Đức. Ngược lại, các nước theo hệ thống thông luật (ảnh hưởng bởi Anh) phát triển theo cơ sở từng trường hợp và không cố gắng bao quát tất cả trường hợp trong bộ luật. Tại các nước này, các quy tắc kế toán được thiết lập bở các tổ chức thuộc lĩnh vực tư nhân. Việc này cho phép chúng có tính thích nghi cao hơn và dễ đổi mới hơn. Kế toán tại các nước theo hệ thống dân luật thường có xu hướng tập trung vào hình thức pháp lý, trong khi kế toán theo thông luật thường có xu hướng tập trung vào bản chất. Việt Nam là nước ảnh hưởng bởi Pháp và hệ thống kế toán Việt Nam hiện hành nghiêng nhiều hơn về hướng hệ thống kế toán tại các nước dân luật.
 

3. Thuế.

Tại nhiều quốc gia, các quy định về thuế quyết định các chuẩn mực kế toán bởi vì các công ty phải ghi nhận doanh thu và chi phí của trong hệ thống sổ sách của mình để thực hiện cho mục đích thuế. Nói cách khác, các quy tắc kế toán và tài chính tương tự nhau. Các ví dụ cho trường hợp này là Đức và Thụy Điển. Tại các nước khác (chẳng hạn Mỹ), kế toán tài chính và kế toán thuế là riêng biệt: Lợi nhuận tính thuế là lợi nhuận kế toán tài chính được điều chỉnh theo sự khác biệt giữa thuế và kế toán. Mặc dù khi xây dựng chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam thể hiện chấp nhận xu hướng thứ hai: sự khác biệt giữa lợi nhuận tính thuế và kế toán. Tuy nhiên trong thực tế các quy định của thuế và kế toán là khá đồng nhất, và trong thực hành kế toán người ta cũng thường dựa vào các quy định của thuế để làm kế toán nên sự khác biệt giữa lợi nhuận tính thuế và lợi nhuận kế toán không phát sinh nhiều.
 

4. Sự ràng buộc về chính trị và kinh tế.

Các quan niệm và kỹ thuật kế toán được chuyển giao thông qua sự xâm lược, thương mại và các sức mạnh tương tự. Hệ thống ghi sổ kép vốn có nguồn gốc từ Italy trong thế kỷ XV và được lan truyền sang các nước châu Âu cùng với các tư tưởng khác trong thời Phục hưng. Chủ nghĩa thực dân Anh xuất khẩu các kế toán viên và các kỹ thuật kế toán trong hệ thống thuộc địa của mình. Đức đóng chiếm Pháp trong thế chiến thứ 2 dẫn đến việc Pháp áp dụng hệ thống tài khoản kế toán thống nhất. Mỹ áp dụng các quy tắc kế toán của mình tại Nhật sau thế chiến thứ 2. Việt Nam thuộc khối xã hội chủ nghĩa nên kế toán Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn bởi kế toán Liên Xô cũ.
 

5. Lạm phát.

Lạm phát làm méo mó kế toán theo giá gốc bởi vì nó làm cho tài sản và các chi phí liên quan bị đánh giá thấp, và lợi nhuận bị phóng đại lên. Các nước có mức lạm phát cao thường yêu cầu các công ty thực hiện sự điều chỉnh sự thay đổi của giá cả trong các báo cáo. Ví dụ, Mexico áp dụng kế toán điều chỉnh theo mức giá chung nếu lũy kế mức lạm phát trong 3 năm liên tiếp lớn hơn hoặc bằng 28% (lạm phát hàng năm là 8%). Trong những năm 1970, để phản ứng với mức lạm phát cao bất bình thường, cả Mỹ và Anh đều thực hiện với việc báo cáo ảnh hưởng của sự thay đổi giá cả. Để đáp lại với nhiều thời điểm có mức lạm phát rất cao trong quá khứ tại Việt Nam, nhà nước đã thực hiện sự đánh giá lại tài sản. Tuy nhiên trong thời gian gần đây có những năm lạm phát cao (năm 2008 khoảng 22%, 2011 là 18,13%) nhưng các doanh nghiệp không được yêu cầu điều chỉnh báo cáo tài chính theo sự thay đổi của giá cả dẫn đến sự méo mó trong lợi nhuận và tài sản.
 

6. Mức độ phát triển kinh tế.

Nhân tố này ảnh hưởng đến các loại nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong một nền kinh tế và quyết định loại nào là thịnh hành nhất. Loại giao dịch, trong chiều ngược lại, quyết định các vấn đề kế toán mà nó đối mặt. Ví dụ, hệ thống thưởng cho nhà quản lý dựa trên cổ phiếu không quá quan trọng trong các nước mà thị trường chứng khoán còn chưa thật sự phát triển. Ngày nay, nhiều nền kinh tế công nghiệp đang chuyển mình sang kinh tế dịch vụ. Các vấn đề kế toán liên quan trong sản xuất, như định giá tài sản cố định và ghi nhận chi phí khấu hao, trở nên không quan trọng. Các thách thức mới nổi lên đối với kế toán là đánh giá các tài sản vô hình và các nguồn lực con người. Ở Việt Nam trước đây khi nền kinh tế còn ở mức độ thấp, mức độ hòa nhập quốc tế chưa cao thì các nghiệp vụ liên quan đến cổ phiếu, chứng khoán phái sinh chưa nhiều. Tuy nhiên với sự phát triển của các giao dịch này ngày càng nhiều trong thời gian gần đây đòi hỏi hệ thống kế toán phải có sự điều chỉnh, bổ sung để thích ứng.
 

7. Mức độ phát triển giáo dục.

Các chuẩn mực kế toán và các hoạt động thực hành kế toán phức tạp sẽ không có tác dụng nếu chúng bị hiểu nhầm và sử dụng sai. Ví dụ, các kỹ thuật báo cáo phức tạp về biến động của chi phí theo sự ứng xử của chi phí sẽ không có ý nghĩa trừ khi người đọc hiểu kế toán chi phí. Công bố các thông tin về rủi ro của các chứng khoán phái sinh sẽ không có giá trị thông tin trừ khi chúng có thể được đọc một cách thông thạo. Các kỹ thuật định giá phức tạp trong định giá chứng khoán phái sinh sẽ không đi vào thực tế những người thực hành kế toán không thể hiểu và áp dụng được chúng. Hiện tại trình độ giáo dục kế toán Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển nên cần áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ để thúc đẩy giáo dục kế toán Việt Nam như nhập khẩu các chương trình đào tạo kế toán quốc tế, đưa công dân sang các nước phát triển đào tạo, tăng cường quá trình đào tạo và cấp chứng chỉ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.
 

8. Văn hóa.

Hofstede phân loại bốn lĩnh vực văn hóa và phân tích sự ảnh hưởng của chúng đến kế toán: (1) chủ nghĩa các nhân, (2) sự né tránh tính không chắc chắn, (3) khoảng cách quyền lực, (4) chủ nghĩa trọng nam. Dựa trên các phân tích của Hofstede, Gray đã đưa ra khuôn mẫu liên kết giữa văn hóa và kế toán. Ông đã đề xuất rằng bốn mảng giá trị văn hóa kế toán ảnh hưởng đến thực hành báo cáo tài chính của một quốc gia, gồm: 
• Tính chuyên nghiệp sự kiểm soát bằng pháp luật: Có sự đối lập giữa ưa chuộng áp dụng các phán xét nghề nghiệp mang tính cá nhân và các quy tắc tự đưa ra hội nghề nghiệp với việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
• Tính thống nhất vs. linh hoạt: sự ưa chuộng tính thống nhất và nhất quán so với việc linh hoạt trong đối phó với các tình huống.
• Chủ nghĩa bảo thủ vs. chủ nghĩa lạc quan: sự ưa chuộng cho việc áp dụng cách thức đo lường một cách thận trọng để đối phó với những bất ổn của các sự kiện trong tương lai thay vì các tiếp cận lạc quan, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.
• Bí mật vs. rõ ràng: sự ưu tiên cho việc đảm bảo tính bảo mật và hạn chế tiếp cận của các thông tin kinh doanh đối lập với việc sẵn sàng công bố các thông tin cho công chúng.
 
Ngoài mô hình trên, Nobes đã đưa ra mô hình đơn giản hóa các nhân tố ảnh hưởng đến sự khác biệt trong báo cáo tài chính giữa các quốc gia. Theo mô hình này có hai nhân tố là văn hóa và bản chất của hệ thống tài chính. Nobes lập luận rằng nguyên nhân quan trọng cho sự khác biệt trong báo cáo tài chính giữa các quốc gia là sự khác biệt về mục đích báo cáo. Hệ thống tài chính của một quốc gia được xem là nhân tố thích hợp nhất quyết định mục đích của báo cáo tài chính. Cụ thể, hệ thống tài chính của một quốc gia qua thị trường chứng khoán mạnh với một lượng lớn các cổ đông bên ngoài hay không sẽ quyết định bản chất của hệ thống báo cáo tài chính trong một quốc gia.
Các vấn đề nảy sinh từ sự khác biệt kế toán giữa các quốc gia
 

Thứ nhất: Soạn thảo các báo cáo tài chính hợp nhất.

Khi các công ty đa quốc gia hợp nhất báo cáo tài chính thì có một sự khó khăn rất lớn đó là sự khác biệt kế toán giữa các công ty trong một tập đoàn. Để lập báo cáo tài chính hợp nhất, bên cạnh việc công ty mẹ cần chuyển đổi báo cáo tài chính các hoạt động của mình theo đơn vị tiền tệ kế toán của quốc gia nơi công ty mẹ đóng trụ sở thì công ty cũng cần chuyển đổi báo cáo tài chính theo cơ sở kế toán của công ty mẹ.
 

Thứ hai: Tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Sự khác biệt kế toán giữa các quốc gia làm cho các công ty khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vốn nước ngoài. Nếu một công ty muốn huy động vốn thông qua bán cổ phiếu hoặc vay ở nước ngoài, nó cần phải trình bày báo cáo tài chính của mình để tuân thủ theo các chuẩn mực kế toán của quốc gia mà nó cần huy động vốn.
 

Thứ ba:  Khả năng so sánh của các báo cáo tài chính.

Các công ty ở các quốc gia khác nhau áp dụng các chuẩn mực kế toán khác nhau dẫn đến mất đi khả năng có thể so sánh được của báo cáo tài chính. Việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đếnsự phân tích báo cáo tài chính của các công ty nước ngoài để thực hiện các quyết định đầu tư và cho vay.
 

Thứ 4: Thiếu thông tin kế toán chất lượng cao.

Tại một số nước hệ thống chuẩn mực kế toán chưa có chất lượng cao dẫn đến một số thiệt hại cho nền kinh tế. Sự đổ vỡ của nhiều ngân hàng các nước Đông Á trong khủng hoảng tài chính 1997 có nguyên nhân từ ba nhân tố: các công ty ở lĩnh vực này có đòn bảy nợ cao, khu vực tư nhân chủ yếu dựa vào các khoản nợ nước ngoài, và thông tin kế toán thiếu minh bạch.
 

Để khắc phục các vấn đề phát sinh do khác biệt kế toán giữa các quốc gia, các nước đã và đang nỗ lực trong việc hài hòa và hội tụ các chuẩn mực kế toán. Ngày càng nhiều quốc gia lấy hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (chuẩn mực trình bày báo cáo tài chính quốc tế) làm hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia, hay xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia tiệm cận nhiều hơn với chuẩn mực kế toán quốc tế và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.

>>  Một số điểm khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Niệt Nam (VAS) và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)
>> Tin hoạt động của liên đoàn kế toán ASEAN (AFA)

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Choi F.D.S. & Meek, G.K. (2011), International Accounting, 7thed, Pearson Education, Inc., New Jersey, USA.
2. Doupnik T. & Perera H. (2012), International Accounting, 3rded, McGraw-Hill, New York, USA.
3. J. (1998), “Towards a Theory of Cultural Influence on the Development of Accounting Systems Internationally,”Abacus, March 1988, pp. 1–15.

4. Nobes C. & Parker R. (2008), Comparative International Accounting, 10thed, Pearson Education, England.Dich vu ke toan tron goi so 1

? Chuyên trang kế toán:    www.tintucketoan.com

? Fanpage: Tin Tức Kế Toán:    https://www.facebook.com/tintucketoan

? Hoặc tổng đài giải đáp của Kế Toán Hà Nội 1900 6246

▶ THÔNG TIN THAM KHẢO:

Sau khi tham khảo Sự khác biệt kế toán giữa các quốc gia – Nguyên nhân và các bất lợi, quý khách cần xem thêm về Khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế và các Dịch vụ kế toán vui lòng xem ở đây:

⏩  Khóa học kế toán thực tế 

⏩  Dịch vụ Kế toán thuế trọn gói

⏩  Dịch vụ Hoàn thuế GTGT

⏩  Dịch vụ Quyết toán thuế

⏩  Dịch vụ Rà soát sổ sách, Báo cáo tài chính