Tin tức kế toán Chế độ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi cho lao động nữ mới nhất năm 2019.
Bộ luật lao động được ban hành theo đó các quyền lợi của người lao động được thể hiện rõ ràng hơn. Trong đó các nhóm đối tượng như người lao động đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi cũng được pháp luật bảo vệ bằng các điều luật cụ thể như sau:
Đối với người lao động là phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi là đối tượng người lao động vừa thực hiện nhiệm vụ của người lao động vừa thực hiện thiên chức làm mẹ được pháp luật bảo vệ và đảm bảo nhiều quyền lợi hơn so với nhiều đối tượng khác.
Theo đó quy định tại điều 155 Bộ luật lao động 2012 quy định về việc bảo vệ chế độ thai sản đối với người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi về chế độ nghỉ ngơi, thời giờ làm việc; quyền lợi về đảm bảo công việc thu nhập trong khoảng thời gian này.
Thứ nhất : Về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, cụ thể tại điều 155 Bộ luật lao động 2012 thì người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.
Ngoài ra trong quá trình lao động để người lao động nữ có thêm thời gian để chăm sóc con khi con đang dưới 12 tháng tuổi thì pháp luật lao động quy định về việc rút ngắn thời giờ làm việc mà vẫn được hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động.
Cụ thể đối với người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc của mình, trong thời gian nghỉ ngơi này người lao động vẫn được hưởng toàn bộ quyền lợi của mình.
Quy định này được áp dụng nhằm mục đích để nguời lao động nữ có thêm thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, gia đình và con cái. Trong quá trình nghỉ người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với nhau về việc sắp xếp thời gian nghỉ ở thời điểm nào trong ngày
Thứ hai: Người lao động nuôi con dưới 12 tháng tuổi không bị kỷ luật lao động
Ngoài quyền lợi về thời gian nghỉ ngơi và không phải đi công tác xa thì thêm một quyền lợi dành cho lao động nữ có con dưới 1 tuổi là không bị xử lý kỷ luật lao động. Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 thì khi người lao động vi phạm vào những trường hợp bị kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật hay theo quy chế lao động của người sử dụng lao động.
Theo đó các hình thức kỷ luật lao động bao gồm hình thức khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức hay sa thải.Tuy nhiên với quy định của pháp luật về bảo vệ người lao động khi vừa mới sinh con thì dù đó là hình thức xử lý kỷ luật lao động nào thì người lao động đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi vẫn không bị xử lý kỷ luật trong giai đoạn này.
Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi và công việc cho người lao động nữ khi đang thực hiện thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên quy định này không có nghĩa là lao động nữ không bị xử lý kỷ luật mà người lao động khi vi phạm sẽ được tạm hoãn xử lý kỷ luật lao động và kể từ thời điểm con đủ 01 tuổi, nếu vẫn còn thời hiệu, lúc này lao động nữ mới bị xử lý kỷ luật.
Việc vẫn áp dụng xử lý kỷ luật lao động của người lao động để giúp người sử dụng lao động đảm bảo và duy trì trật tự, kỷ cương ở nơi làm việc, tránh trường hợp lao động nữ lợi dụng điều này để vi phạm quy định trong nội quy lao động làm ảnh hưởng đến việc quản lý nhân sự của người sử dụng lao động.
Thứ ba: Người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi không bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong quá trình người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi để đảm bảo cho người lao động có việc làm và thu nhập để ổn định cuộc sống, pháp luật lao động quy định về các trường hợp sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không được áp dụng với người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo đó, khi lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người sử dụng lao động không được phép lấy lý do này để sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ khi người sử dụng lao động là cá nhân chết hoặc là tổ chức chấm dứt hoạt động. Vì sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là việc người sử dụng lao động chấm dứt quan hệ lao động với người lao động, nguyên nhân dẫn tới việc này có thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan hoặc từ lỗi của người lao động.
Tuy nhiên việc chấm dứt quan hệ lao động trong giai đoạn người lao động dưới 12 tháng tuổi sẽ làm cho người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động đến đời sống của người lao động và những người liên quan. Có thể thấy đây là một quy định rất hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định cho lao động nữ cũng như giúp lao động nữ có thu nhập để trang trải chi phí nuôi con nhỏ.
Theo đó nếu doanh nghiệp nào không chấp hành các quy định theo điều 155 Bộ luật lao động 2012 để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu sử dụng người lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa, không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày; xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy việc quy định về các chế độ bảo vệ quyền lợi của người lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi là những điều luật bắt buộc cần phải có. Vì những điều này vừa đảm bảo cho người lao động yên tâm làm việc khi cùng một lúc thực hiện nhiều thiên chức vừa thể hiện sự quan tâm của pháp luật đối với phụ nữ và trẻ em, là hai đối tượng yếu thế trong xã hội. Từ đó góp phần tạo nên sự bình đẳng công bằng giữa các nhóm đối tượng người lao động.