Hướng dẫn cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ theo thông tư 133. Hướng dẫn cụ thể cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ tại đơn vị cấp trên và tại đơn vị cấp dưới. Gống với thông tư 200/2014/TT-BTC tài khoản 336 - Phải trả nội bộ theo thông tư 133/2016/TT-BTC đều thuộc loại tài khoản Nợ phải trả. Nhưng bên cạnh đó nó có một số điểm khác biệt so với thông tư 200.
THÔNG TIN MỚI NHẤT:
>> Khóa học kế toán thực hành – Giảm 50% Học phí
I. SO SÁNH TÀI KHOẢN 336 – PHẢI TRẢ NỘI BỘ, TRONG THÔNG TƯ 133/2016/TT-BTC VỚI THÔNG TƯ 200/2014/TT-BTC.
Trước khi xem hướng dẫn cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ theo thông tư 133, Kế Toán Hà Nội xin được trình bày nguyên tắc kế toán khi hạch toán của TK 336. Vì kế toán muốn có cách hạch toán các khoản phải trả nội bộ đúng theo chế độ thì phải hiểu và nắm vững các nguyên tắc kế toán của TK 336.
II. NGUYÊN TẮC KẾ TOÁN CỦA TÀI KHOẢN 336 – PHẢI TRẢ NỘI BỘ, THEO THÔNG TƯ 133/2016/TT-BTC.
Theo điều 44 thông tư 133/2016/TT-BTC, khi hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ có các nguyên tắc sau:
* Nội dung phản ánh và cách mở tài khoản chi tiết của TK 336.
“a) Tài khoản 336 - Phải trả nội bộ dùng để phản ánh tình hình thanh toán các khoản phải trả giữa doanh nghiệp với các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc có tổ chức công tác kế toán (sau đây gọi là đơn vị hạch toán phụ thuộc); Giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc của cùng một doanh nghiệp với nhau.
b) Các khoản phải trả nội bộ phản ánh trên tài khoản 336 “Phải trả nội bộ” bao gồm khoản phải trả về vốn kinh doanh và các khoản đơn vị hạch toán phụ thuộc phải nộp doanh nghiệp, phải trả đơn vị hạch toán phụ thuộc khác; Các khoản doanh nghiệp phải cấp cho đơn vị hạch toán phụ thuộc. Các khoản phải trả, phải nộp có thể là quan hệ nhận tài sản, vốn, thanh toán vãng lai, chi hộ trả hộ, …;
c) Tùy theo việc phân cấp quản lý và đặc điểm hoạt động, doanh nghiệp quyết định đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn kinh doanh được doanh nghiệp cấp vào TK 3361 – Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh hoặc TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
d) Tài khoản 336 “Phải trả nội bộ” được hạch toán chi tiết cho từng đơn vị nội bộ có quan hệ thanh toán, trong đó được theo dõi theo từng khoản phải nộp, phải trả.”
và chúng ta lưu ý rằng “Không phản ánh vào Tài khoản 336 - Phải trả nội bộ các giao dịch thanh toán giữa các đơn vị có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập”.
* Nguyên tắc kiểm tra đối chiếu của tài khoản 336.
“đ) Cuối kỳ, kế toán tiến hành kiểm tra, đối chiếu tài khoản 136, tài khoản 336 giữa các đơn vị nội bộ theo từng nội dung thanh toán để lập biên bản thanh toán bù trừ với từng đơn vị làm căn cứ hạch toán bù trừ trên 2 tài khoản này. Khi đối chiếu, nếu có chênh lệch, phải tìm nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời.”
Muốn hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ đúng theo chế độ, thì việc hiểu và nắm vững nguyên tắc kế toán khi hạch toán thôi chưa đủ. Kế toán còn phải nắm vững kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 336 nữa. Chúng ta cùng xem nội dung và kết cấu của TK 336 nhé.
III. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 336 - PHẢI TRẢ NỘI BỘ CỦA TÀI KHOẢN 336.
Bên Nợ:
– Số tiền đã trả cho đơn vị hạch toán phụ thuộc;
– Số tiền đơn vị hạch toán phụ thuộc đã nộp doanh nghiệp;
– Số tiền đã trả các khoản mà các đơn vị nội bộ chi hộ, hoặc thu hộ đơn vị nội bộ;
– Bù trừ các khoản phải thu với các khoản phải trả của cùng một đơn vị có quan hệ thanh toán.
Bên Có:
– Số vốn kinh doanh của đơn vị hạch toán phụ thuộc được doanh nghiệp cấp;
– Số tiền đơn vị hạch toán phụ thuộc phải nộp doanh nghiệp;
– Số tiền phải trả cho đơn vị hạch toán phụ thuộc;
– Số tiền phải trả cho các đơn vị khác trong nội bộ về các khoản đã được đơn vị khác chi hộ và các khoản thu hộ đơn vị khác.
Số dư bên Có: Số tiền còn phải trả, phải nộp cho doanh nghiệp và các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp.
Tài khoản 336 – Phải trả nội bộ, có 2 tài khoản cấp 2:
– Tài khoản 3361 – Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh: Tài khoản này chỉ mở ở đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc để phản ánh số vốn kinh doanh được đơn vị cấp trên giao.
– Tài khoản 3368 – Phải trả nội bộ khác: Phản ánh tất cả các khoản phải trả khác giữa các đơn vị nội bộ trong cùng một doanh nghiệp.
III. CÁCH HẠCH TOÁN TÀI KHOẢN 336 - PHẢI TRẢ NỘI BỘ THEO THÔNG TƯ 133.
Sau khi đã xem nguyên tắc kế toán, nội dung và kết cấu của tài khoản 336, Kế Toán Hà Nội xin được trình bày Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ theo thông tư 133 một số nghiệp vụ chủ yếu tại đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới củ DN như sau.
3.1. Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ tại đơn vị cấp dưới (đơn vị hạch toán phụ thuộc).
3.1.1. Nhận được VỐN từ cấp trên hạch toán tăng nợ phải trả nội bộ.
Khi đơn vị hạch toán phụ thuộc như chi nhánh, cửa hàng, ban quản lý dự án… nhận vốn được cấp bởi doanh nghiệp, đơn vị cấp trên, hạch toán:
Nợ các TK 111, 112, 152, 155, 156, 211, 217…..
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3361).
3.1.2. Hạch toán tăng nợ phải trả nội bộ về số tiền phải trả cho các đơn vị nội bộ khác.
– Khi nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ từ các đơn vị nội bộ khác chuyển đến, hạch toán:
Nợ các TK 152, 153, 156
Nợ TK 133 – Thuế GTGT dược khấu trừ (nếu có)
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
– Khi được đơn vị nội bộ khác chi hộ, trả hộ công nợ hoặc chi phí, hạch toán:
Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý kinh doanh
Nợ TK 133 – Thuế GTGT dược khấu trừ (nếu có)
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
3.1.3. Khi thu tiền hộ hoặc vay tiền các đơn vị nội bộ khác hạch toán tăng nợ phải trả nội bộ.
Nợ các TK 111,112,…
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
3.1.4. Khi trả tiền nợ cho các đơn vị nội bộ khác hạch toán giảm nợ phải trả.
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (3368)
Có các TK 111,112,…
3.1.5. Khi có quyết định điều chuyển tài sản cho các đơn vị khác trong nội bộ và có quyết định giảm vốn kinh doanh, hạch toán giảm nợ phải trả nội bộ.
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (3361)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp) (nếu điều chuyển TSCĐ, BĐSĐT)
Có các TK 152, 155, 156, 211, 217…..
3.1.6. Hạch toán giảm nợ phải trả khi bù trừ giữa các khoản phải thu và phải trả phát sinh từ giao dịch với các đơn vị nội bộ.
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (TK cấp 2 phù hợp)
Có TK 136 – Phải thu nội bộ (TK cấp 2 phù hợp).
3.1.7. Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ liên quan đến doanh thu, thu nhập và chi phí trong đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp kế toán đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (TK 421).
Trong đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp kế toán đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (TK 421) bao gồm đơn vị hạch toán phụ thuộc theo dõi KQKD trong kỳ và đơn vị hạch toán phụ thuộc không theo dõi KQKD trong kỳ.
a) Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội tại đơn vị hạch toán phụ thuộc không theo dõi KQKD.
– Định kỳ kết chuyển doanh thu, thu nhập, hạch toán:
Nợ các TK 511, 711
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
– Định kỳ kết chuyển các khoản chi phí, hạch toán:
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (3368)
Có các TK 632, 635, 642.
b) Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội tại đơn vị hạch toán phụ thuộc có theo dõi KQKD.
– Kết chuyển doanh thu, thu nhập, hạch toán:
Nợ các TK 511, 711
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh.
– Kết chuyển các khoản chi phí, hạch toán:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Có các TK 632, 635, 642.
– Định kỳ, kết chuyển kết quả kinh doanh (lãi) lên đơn vị cấp trên, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
– Định kỳ, kết chuyển kết quả kinh doanh (lỗ) lên đơn vị cấp trên, ghi:
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (3368)
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
3.1.8. Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ liên quan đến doanh thu, thu nhập và chi phí trong đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp kế toán đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (TK 421).
Đối với các đơn vị phụ thuộc này định kỳ kết chuyển lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cho đơn vị cấp trên.
– Nếu có lãi thì kết chuyển lãi, hạch toán:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
– Nếu bị lỗ thì kết chuyển lỗ, hạch toán:
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (3368)
Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
3.2. Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ theo thông tư 133 tại đơn vị cấp trên.
3.2.1. Số quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi phải cấp cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc (cấp dưới, hạch toán:
Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
3.2.2. Các khoản phải trả cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc (cấp dưới), hạch toán:
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ
Nợ TK 2111 – TSCĐ hữu hình
Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý kinh doanh
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
3.2.3. Khi thanh toán các khoản phải trả cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc, hạch toán:
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (3368)
Có các TK 111, 112, …
3.2.4. Bù trừ các khoản phải thu, phải trả nội bộ, hạch toán:
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (TK cấp 2 phù hợp)
Có TK 136 – Phải thu nội bộ (TK cấp 2 phù hợp).
Trên đây Kế Toán Hà Nội đã trình bày Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ theo thông tư 133. Mời các bạn xem thêm Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ theo thông tư 200 tại đây.
? Chuyên trang kế toán: www.tintucketoan.com
? Fanpage: Tin Tức Kế Toán: https://www.facebook.com/tintucketoan
? Hoặc tổng đài giải đáp của Kế Toán Hà Nội 1900 6246
▶ THÔNG TIN THAM KHẢO:
Sau khi tham khảo Cách hạch toán tài khoản 336 - Phải trả nội bộ theo thông tư 133, quý khách cần xem thêm về Khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế và các Dịch vụ kế toán vui lòng xem ở đây: