Tin tức kế toán: Những quy định chung về Báo cáo tài chính theo thông tư 200.
Mục đích của báo cáo tài chính, hệ thống báo cáo tài chính, nguyên tắc lập báo cáo tài chính… theo thông tư 200/2014/TT-BTC.
Ngày 22/12/2014 Bộ Tài chính ban hành thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế Quyết định 15/2006/QĐ-CP hướng dẫn chế độ kế toán đối với mọi lĩnh vực thuộc mọi thành phần kinh tế
1. Mục đích của Báo cáo tài chính
– Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ DN, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. BCTC phải cung cấp những thông tin của một DN về:
+ Tài sản
+ Nợ phải trả
+ Vốn chủ sở hữu
+ Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác
+ Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh
+ Các luồng tiền
– Ngoài các thông tin này, DN còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các BCTC tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày BCTC.
2. Kỳ lập Báo cáo tài chính
– Kỳ lập BCTC năm: Các DN phải lập BCTC năm theo quy định của Luật kế toán.
– Kỳ lập BCTC giữa niên độ: BCTC giữa niên độ gồm BCTC quý (bao gồm cả quý IV) và BCTC bán niên.
– Kỳ lập BCTC khác:
+ Các DN có thể lập BCTC theo kỳ kế toán khác (như tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng…) theo yêu cầu của pháp luật, của công ty mẹ hoặc của chủ sở hữu.
+ Đơn vị kế toán bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản phải lập BCTC tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản.
3. Đối tượng áp dụng, trách nhiệm lập và chữ ký trên BCTC
– Đối tượng lập BCTC năm: Hệ thống BCTC năm được áp dụng cho tất cả các loại hình DN thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. BCTC năm phải lập theo dạng đầy đủ.
– Đối tượng lập BCTC giữa niên độ (BCTC quý và BCTC bán niên):
+ DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập BCTC giữa niên độ
+ Các DN khác không thuộc đối tượng nêu trên được khuyến khích lập BCTC giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
+ BCTC giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với BCTC giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.
– DN cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập BCTC của riêng đơn vị mình và BCTC tổng hợp. BCTC tổng hợp được lập trên cơ sở đã bao gồm số liệu của toàn bộ các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau. Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập BCTC của mình phù hợp với kỳ báo cáo của đơn vị cấp trên để phục vụ cho việc tổng hợp BCTC của đơn vị cấp trên và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
– Việc lập và trình bày BCTC của các DN ngành đặc thủ tuân thủ theo quy định tại chế độ kế toán do BTC ban hành hoặc chấp thuận cho ngành ban hành.
– Việc lập, trình bày và công khai BCTC hợp nhất năm và BCTC hợp nhất giữa niên độ thực hiện theo quy định của pháp luật về BCTC hợp nhất.
– Việc ký BCTC phải thực hiện theo Luật kế toán. Đối với đơn vị không tự lập BCTC mà thuê dịch vụ kế toán lập BCTC, người hành nghề thuộc các đơn vị dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề, tên và địa chỉ Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Người hành nghề cá nhân phải ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề
4. Hệ thống Báo cáo tài chính của DN
Hệ thống Báo cáo tài chính gồm: BCTC năm và BCTC giữa niên độ.
♦ Báo cáo tài chính năm gồm:
– Bảng cân đối kế toán Mẫu số B01 – DN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 – DN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B03 – DN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09 – DN
♦ Báo cáo tài chính giữa niên độ:
– BCTC giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:
+ Bảng cân đối kế toán giữa niên độ Mẫu số B01a – DN
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ Mẫu số B02a – DN
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ Mẫu số B03a – DN
+ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc Mẫu số B09a – DN
– BCTC giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:
+ Bảng cân đối kế toán giữa niên độ Mẫu số B01b – DN
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ Mẫu số B02b – DN
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ Mẫu số B03b – DN
+ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc Mẫu số B09a – DN
Những chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên BCTC, DN chủ động đánh lại số thứ tự các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần
5. Đồng tiền sử dụng để lập BCTC khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam
– BCTC được sử dụng để công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam phải được trình bày bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp DN lập BCTC bằng đồng ngoại tệ thì phải chuyển đổi BCTC ra Đồng Việt Nam khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam.
– Phương pháp chuyển đổi BCTC lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam:
Khi chuyển đổi BCTC được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, kế toán phải quy đổi các chỉ tiêu theo nguyên tắc sau:
+ Tài sản và nợ phải trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ
(Là tỷ giá chuyển khoản của một ngân hàng thương mại nơi DN thường xuyên có giao dịch tại thời điểm báo cáo)
+ Vốn chủ sở hữu (vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu) được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn
+ Chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày đánh giá;
+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau ngày đầu tư được quy đổi ra Đồng Việt Nam bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
+ Lợi nhuận, cổ tức đã trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày trả lợi tức, cổ tức;
+ Các khoản mục thuộc BC kết quả hoạt động kinh doanh và BC lưu chuyển tiền tệ được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán xấp xỉ với tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch (chênh lệch không vượt quá 3%) thì có thể áp dụng theo tỷ giá bình quân (nếu lựa chọn).
– Phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi BCTC được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam.
Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi chuyển đổi BCTC được lập bằng đồng ngoại tệ ra Việt Nam Đồng được ghi nhận trên chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” – Mã số 417 thuộc phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán.
6. Nguyên tắc lập BCTC khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán
– Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, tại kỳ đầu tiên kể từ khi thay đổi, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sổ kế toán sang đơn vị tiền tệ trong kế toán mới theo tỷ giá chuyển khoản của một ngân hàng thương mại nơi DN thường xuyên có giao dịch tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.
– Tỷ giá áp dụng đối với thông tin so sánh (cột kỳ trước) trên BC kết quả hoạt động kinh doanh và BC lưu chuyển tiền tệ: Khi trình bày thông tin so sánh trên BC kết quả hoạt động kinh doanh và BC lưu chuyển tiền tệ của kỳ có sự thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, đơn vị áp dụng tỷ giá chuyển khoản bình quân kỳ trước liền kề với kỳ thay đổi (nếu tỷ giá bình quân xấp xỉ tỷ giá thực tế)
– DN phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh BCTC lý do thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với BCTC do việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.
7. Thời hạn nộp Báo cáo tài chính
♦ Đối với doanh nghiệp nhà nước
– Thời hạn nộp BCTC quý:
+ Đơn vị kế toán phải nộp BCTC quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày
+ Đơn vị kế toán trực thuộc DN, Tổng công ty Nhà nước nộp BCTC quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
– Thời hạn nộp BCTC năm:
+ Đơn vị kế toán phải nộp BCTC năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày
+ Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp BCTC năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
♦ Đối với các loại doanh nghiệp khác
– Đơn vị kế toán là DN tư nhân và công ty hợp danh phải nộp BCTC năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm
– Đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp BCTC năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm
– Đơn vị kế toán trực thuộc nộp BCTC năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.
Các bạn đang xem bài viết “Quy định chung về Báo cáo tài chính theo thông tư 200″.
Mời các bạn xem
Hướng dẫn lập Bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
? Chuyên trang kế toán: www.tintucketoan.com
? Fanpage: Tin Tức Kế Toán: https://www.facebook.com/tintucketoan
? Hoặc tổng đài giải đáp của Kế Toán Hà Nội 1900 6246
▶ THÔNG TIN THAM KHẢO:
Sau khi tham khảo Quy định chung về Báo cáo tài chính theo thông tư 200, quý khách cần xem thêm về Khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế và các Dịch vụ kế toán vui lòng xem ở đây: