Tin tức kế toán Bài tập Thuế Thu nhập cá nhân có lời giải. Để hiểu rõ hơn cách tính thuế TNCN Tin tức kế toán xin đưa ra 1 số bài tập dưới đây hy vọng giúp các bạn hiểu rõ hơn và nhớ lâu hơn cách tính thuế TNCN cho một số trường hợp cụ thể
Bài tập 1
Trong tháng 6/2019 Ông Nguyễn Văn Nam có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 40 triệu đồng và nộp các khoản bảo hiểm là: 7% bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế trên tiền lương. Ông Nguyễn Văn Nam nuôi 2 con dưới 18 tuổi, trong tháng Ông Nguyễn Văn Nam không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Hướng dẫn giải:
Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của Ông Nguyễn Văn Nam được tính như sau:
Thu nhập chịu thuế của Ông Nguyễn Văn Nam là 40 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Nam được giảm trừ các khoản sau:
- Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 9 triệu đồng
- Giảm trừ gia cảnh cho 02 người phụ thuộc (2 con) = 3,6 triệu đồng × 2 = 7,2 triệu đồng
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế = 40 triệu đồng × (7% + 1,5%) = 3,4 triệu đồng
→ Tổng cộng các khoản được giảm trừ: = 9 triệu + 7,2 triệu + 3,4 triệu = 19,6 triệu
→ Thu nhập tính thuế của Ông Nguyễn Văn Nam là: 40 triệu – 19,6 triệu = 20,4 triệu đồng
Số thuế TNCN phải nộp:
Cách 1: Tính theo từng bậc của Biểu thuế lũy tiến từng phần:
Tức là tính theo quy định tại: Phụ lục: 01/PL-TNCN (theo Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính):
Bậc | Thu nhập tính thuế /tháng (triệu đồng) | Thuế suất(%) | Tính số thuế phải nộp (triệu đồng) | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 5 | 5 | 0 + 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 5 đến 10 | 10 | 0,25 + 10% TNTT trên 5 | 10% TNTT – 0,25 |
3 | Trên 10 đến 18 | 15 | 0,75 + 15% TNTT trên 10 | 15% TNTT – 0,75 |
4 | Trên 18 đến 32 | 20 | 1,95 + 20% TNTT trên 18 | 20% TNTT – 1,65 |
5 | Trên 32 đến 52 | 25 | 4,75 + 25% TNTT trên 32 | 25% TNTT – 3,25 |
6 | Trên 52 đến 80 | 30 | 9,75 + 30% TNTT trên 52 | 30 % TNTT – 5,85 |
7 | Trên 80 | 35 | 18,15 + 35% TNTT trên 80 | 35% TNTT – 9,85 |
Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 5 triệu, thuế suất 5%:
= 5 triệu đồng × 5% = 0,25 triệu
Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 5 triệu đến 10 triệu, thuế suất 10%:
= (10 triệu – 5 triệu) × 10% = 0,5 triệu
Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đến 18 triệu, thuế suất 15%:
= (18 triệu – 10 triệu) × 15% = 1,2 triệu
Bậc 4: Thu nhập tính thuế trên 18 triệu đến 32 triệu, thuế suất 20%:
= (20,4 triệu – 18 triệu) × 20% = 0,48 triệu.
→ Tổng số thuế Ông Nguyễn Văn Nam phải tạm nộp trong tháng là:
= 0,25 triệu + 0,5 triệu + 1,2 triệu + 0,48 triệu = 2,43 triệu.
Cách 2: Số thuế phải nộp tính theo phương pháp rút gọn:
Thu nhập tính thuế trong tháng = 20,4 triệu đồng. Như vậy theo BẢNG phụ lục trên là thuộc bậc 4.
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:
= (20% X TNTT ) – 1,65 trđ = 20,4 triệu × 20% – 1,65 triệu = 2,43 triệu.
Bài tập 2
Năm 2019, theo hợp đồng lao động ký giữa Ông Tùng và Công ty dịch vụ kế toán thì Ông Tùng được trả lương hàng tháng là 31,5 triệu đồng, ngoài tiền lương Ông Tùng được công ty Công ty dịch vụ kế toán trả thay phí hội viên câu lạc bộ thể thao 1 triệu đồng/tháng. Ông Tùng phải đóng bảo hiểm bắt buộc là 1,5 triệuđồng/tháng. Công ty dịch vụ kế toán chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định thay cho ông Tùng. Trong năm Ông Tùng chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, không có người phụ thuộc và không phát sinh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Hướng dẫn giải:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng của Ông Tùng như sau:
Thu nhập làm căn cứ quy đổi là: = 31,5 triệu + 1 triệu – (9 triệu + 1,5 triệu) = 22 triệu.
Phụ lục: 02/PL-TNCN (theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.
Thu nhập làm căn cứ quy đổi/tháng (viết tắt là TNQĐ)
Thu nhập tính thuế
1. Đến 4,75 triệu đồng (trđ): TNQĐ/0,95
2. Trên 4,75 trđ đến 9,25trđ: (TNQĐ – 0, 25 trđ)/0,9
3. Trên 9,25 trđ đến 16,05trđ: (TNQĐ – 0,75 trđ )/0,85
4. Trên 16,05 trđ đến 27,25 trđ: (TNQĐ – 1,65 trđ)/0,8
5.Trên 27,25 trđ đến 42,25 trđ: (TNQĐ – 3,25 trđ)/0,75
6. Trên 42,25 trđ đến 61,85 trđ: (TNQĐ – 5,85 trđ)/0,7
7. Trên 61,85 trđ: (TNQĐ – 9,85 trđ)/0,65
– Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là: = (22 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 25,4375 triệu đồng
→ Thuế thu nhập cá nhân Ông Tùng phải nộp (áp dụng cách tính thuế rút gọn theo Phụ lục số 01/PL-TNCN) là:
= 25,4375 triệu đồng × 20% – 1,65 triệu đồng = 3,4375 triệu đồng
Bài tập 3
Giả sử ông Tùng tại bài tập 2 nêu trên còn được Công ty dịch vụ kế toán trả thay tiền thuê nhà là 6 triệu đồng/tháng. Thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng của Ông Tùng như sau:
Bước 1: Xác định tiền thuê nhà trả thay được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi:
Thu nhập làm căn cứ quy đổi (không gồm tiền thuê nhà):
= 31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng – (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 22 triệu đồng
Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:
= (22 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 25,4375 triệu đồng
Thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):
= 25,4375 triệu đồng + 9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng = 35,9375 triệu đồng/tháng
15% Tổng thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):
= 35,9375 triệu đồng × 15% = 5,390 triệu đồng/tháng
→ Vậy tiền thuê nhà được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi là 5,390 triệu đồng/tháng
Bước 2: Xác định thu nhập tính thuế
Thu nhập làm căn cứ để quy đổi thành thu nhập tính thuế:
= 31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5,390 triệu đồng – (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 27,39 triệu đồng/tháng
Thu nhập tính thuế (quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN):
= (27,39 triệu đồng – 3,25 triệu đồng)/0,75 = 32,187 triệu đồng/tháng
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp:
= 32,187 triệu đồng× 25% – 3,2 triệu đồng = 4,797 triệu đồng/tháng
Thu nhập chịu thuế hàng tháng của ông D là:
= 31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5,390 triệu đồng + 4,797 triệu đồng = 42,687 triệu đồng/tháng
Hoặc xác định theo cách:
= 32,187 triệu đồng + 9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng = 42,687 triệu đồng/tháng.